Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Họp Chính phủ: Thủ tướng kết luận nhiều vấn đề nóng
Ngày cập nhật 04/10/2014
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng
(Chinhphu.vn) - Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ một số vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế; xử lý cụ thể các vấn đề về nợ công, nợ xấu; thúc đẩy phát triển sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội...

Trong 2 ngày 29 và 30/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá qua thực hiện nhiệm vụ tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, khá đồng đều trên các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

“Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn; sản xuất kinh doanh tuy vẫn còn khó khăn nhưng số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng lên nhiều; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tuy có giảm nhưng vốn đăng ký tăng lên. Đây là sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của sự điều hành của Chính phủ, của các cấp chính quyền", Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Phấn đấu đạt mức tăng trưởng theo mục tiêu trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định

“Trong Chính phủ, tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Phó Thủ tướng được Thủ tướng phân công phụ trách lĩnh vực. Các đồng chí đã sâu sát, quyết liệt, đề cao trách nhiệm, bám việc cụ thể…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; phải sâu sát hơn nữa, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.

“Tăng trưởng theo mục tiêu 5,8% như phát biểu của các đồng chí là khả thi, song chúng ta không dừng lại ở đây, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, nếu đạt được 6% thì quá tốt… Đạt 6% ở đây cũng là đạt vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cần khắc phục, trong đó nổi lên là: Tổng cầu vẫn còn yếu; sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn; nợ xấu còn lớn; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; vốn đối ứng còn thiếu; cân đối ngân sách khó khăn; nợ công tăng nhanh dẫn đến phần ngân sách bố trí trả nợ tăng lên; chi thường xuyên tăng; việc thực hiện các đột phá chiến lược có mặt còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh có những mặt, lĩnh vực còn thấp;…

“Chúng ta phải nhìn cái được để khẳng định; cái không được cũng phải nói rõ, không bôi đen, phải thấy hướng xử lý thế nào để tốt hơn. Tránh nói hai cực, hai phía; một phía cứ nói là tệ hại quá, quá tệ hại, ngày càng tệ hại; có hướng lại tô hồng, cho như vậy mình là nhất rồi…”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là phải ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém; năng động, sáng tạo, sâu sát để đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, nhất là mục tiêu tăng trưởng 5,8%.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Xử lý các vấn đề: Nợ công, nợ xấu, tăng dư nợ tín dụng, lãi suất

Đề cập đến nhiệm vụ cụ thể trong những tháng còn lại của năm 2014, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là phải phấn đấu quyết liệt trên cơ sở các nghị quyết, chủ trương đã có; phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại; năng động, sáng tạo, sâu sát để đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, nhất là mục tiêu tăng trưởng 5,8%.

Theo đó, về kinh tế vĩ mô cần khắc phục những mặt chưa vững chắc, trong đó có việc nợ công tăng nhanh, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có phương án đánh giá lại toàn bộ nợ công, đánh giá nợ công một cách cụ thể, khả năng trả nợ, đề xuất giải pháp xử lý; cùng với đó là quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu trên tinh thần không sử dụng ngân sách Nhà nước vào xử lý nợ xấu; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả nợ xấu, tham gia cùng doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu.

Tiếp tục quan tâm tăng tín dụng cho nền kinh tế theo mục tiêu kế hoạch, song tăng dư nợ tín dụng phải đi liền với chất lượng tín dụng để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu; “Không khéo chúng ta sốt ruột đẩy tăng tín dụng lại đồng nghĩa với tăng nợ xấu… Cả hai mặt, sốt ruột thật, nhưng chất lượng tín dụng phải bảo đảm”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh lãi suất giảm như hiện tại là tốt; tỷ giá ổn định, thị trường vàng quản lý như vậy là tốt,… song Thủ tướng cũng lưu ý, theo tín hiệu thị trường, theo kết quả kiềm chế lạm phát đạt được, Ngân hàng Nhà nước phải xem xét tích cực việc điều hành lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, du lịch

Về nhóm nhiệm vụ liên quan đến sản xuất kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư; khuyến khích tối đa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng,… Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch lao động theo theo hướng ly nông nhưng không ly hương.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đến hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; xúc tiến mạnh các hoạt động thương mại để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng còn lớn; “muốn tăng 1kg tôm, 1kg gạo đều phụ thuộc vào thị trường, chúng ta phải cố gắng, làm mạnh việc mở rộng thị trường”, Thủ tướng lưu ý.

Đồng thời, phải xác định rõ du lịch là một thế mạnh, phải khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tới Việt Nam,… qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu ngân sách.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh thông qua cổ phần hóa, cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị…

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng giao Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.
 
Chú trọng giải quyết việc làm, chăm sóc y tế, giáo dục

Về nhóm nhiệm vụ an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm làm cho người lao động, cố gắng cao nhất để đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động trong năm 2014 (hiện đã giải quyết việc làm được cho trên 1,5 triệu lao động); giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; chú trọng phát triển y tế, văn hóa, giáo dục,…

Ở lĩnh vực y tế, cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ là giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh, đồng thời nêu rõ số người tử vong vì bệnh lao hàng năm còn hơn cả số người tử vong do tại nạn giao thông. Cho đây là thực trạng đáng lo ngại, nhất là đa phần bệnh nhân lao là người nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh phải hết sức quan tâm, thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống bệnh lao, trong đó việc cấp thuốc miễn phí, kinh phí, tuyên truyền phải làm khẩn trương, dứt khoát.    

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương không ngừng củng cố tiềm lực an ninh-quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa trấn áp các loại hình tội phạm.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội; thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, nếu làm tốt điều này, các thông tin chuệch choạc, méo mó sẽ ít đi, qua đó định hướng dư luận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra cho năm 2014.

Quang cảnh phiên họp Chính phủ tháng 9/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các thành thành viên Chính phủ chuẩn bị tốt các Báo cáo để phục vụ cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào giữa tháng 10 tới; chuẩn bị tốt nội dung, chủ động giải đáp, giải thích, giải trình, trả lời chất vấn các vấn đề mà Quốc hội và cử tri quan tâm.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án. Các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư Dự án. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Tờ trình, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Về Báo cáo một số biện pháp đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma tuý và mở rộng chương trình điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Methadone, các ý kiến cơ bản nhất trí với đề xuất, kiến nghị nêu trong Báo cáo, đưa vào Nghị quyết của Chính phủ.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 584