Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Một thời vang vọng
Ngày cập nhật 16/02/2014
Đội TTLĐ Xã Bình Điền

 Nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng thành phố Huế, anh Nguyễn Đại Hóa, chủ tịch UBND xã Bình điền mời anh chị em Đội Thông tin lưu động chuyên nghiệp thành phố Huế (Đội TTLĐ) trước đây, gặp mặt tại Bình điền và tham gia chương trình văn nghệ quần chúng của thôn Bình Lợi. Sau 30 năm, cả 5 thành viên đầu tiên trong Đội TTLĐ trở lại Bình điền với biết bao nhiêu đổi thay, màu thời gian in đậm trên mái tóc nhuốm bạc của từng người, họ vẫn lên sân khấu, hòa mình trong không khí văn nghệ của quần chúng, hồn nhiên như một thời trai trẻ đã đi qua.

 Vào những năm 1980, Đội Thông tin lưu động chuyên nghiệp thành phố Huế (Đội TTLĐ) trực thuộc Phòng Văn hóa thông tin thành phố thật sự là mũi nhọn xung kích trên mặt trận tuyên truyền. Từ các chủ trương lớn của Đảng và nhà nước như Nghị quyết Trung ương 8 về Giá-Lương-Tiền, Mua công trái xây dựng đất nước sau chiến tranh, Bầu cử Quốc Hội và HĐND các cấp… đến các chủ trương của lãnh đạo thành phố như phát triển cây mía ở vùng gò đồi, khai thác cây đót để làm hàng xuất khẩu, trồng cây rau Câu để phát triển kinh tế vùng đầm phá, ven biển…. đều được Đội TTLĐ biên tập và dàn dựng chương trình để tuyên truyền, biểu diễn phục vụ đông đảo quần chúng.

Biên chế của Đội gồm có 5 người: Đức Hùng (Đội trưởng-Biên tập), Thái Hòa ( Đội phó- Họa sĩ), Xuân Thu (diễn viên), Ái Hoa (diễn viên Ca Huế), Minh Công ( tấu hài-nhạc công) . Sau này được tăng cường thêm Khánh Vân, Thúy Vân, Văn Hưng, Xuân Phương, Đức Linh… là những diễn viên, ca sỹ, nhạc công của đoàn ca kịch Bình Trị Thiên và Đội Văn nghệ xung kích thành phố Huế.

Sau 30 năm, những anh chị trong Đội TTLĐ ngày ấy bây giờ đã lên chức ông, chức bà. Nhiều người đã nghỉ hưu, có người sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc định cư ở nước ngoài nhưng trong ký ức của họ luôn luôn tự hào về những năm tháng đầy sôi động trên mặt trận tuyên truyền trong những ngày gian khó của thời bao cấp.

Năm 1983, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy Đội lên A Lưới vừa tuyên truyền vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ các lưc lượng của thành phố lên khai thác cây đót để làm hàng xuất khẩu. Tất cả như những người lính, phải mang đầy đủ nhạc cụ, đạo cụ cho các chương trình biểu diễn và ngay cả lương thực cho 7 ngày đi đường cũng phải mang theo. Cả đội đi nhờ xe vận chuyển đót của công ty xuất nhập khẩu thành phố, đường lên A Lưới lúc bấy giờ phải chạy ra Quảng trị, lên đường 9, qua cầu Dakrông sau đó mới chạy ngược về lại A Lưới. Anh Thái Hòa là người rất gỏi công tác dân vận, vừa đến A Lưới, anh lấy ngay một tập giấy croky, cứ nhắm ai là già làng, trưởng bản, hoặc là chỉ huy của các đơn vị đi khai thác đót là anh ký họa chân dung để tặng. Sau này anh chị em trong Đội mới hiểu, chính cách vận động khôn khéo đó mà sau 7 ngày ở A Lưới, lương thực của anh chị em mang đi lại phải mang về, bà con dân bản, các đơn vị khai thác đót trên tuyến đường Trường Sơn lúc bấy giờ đã cưu mang Đội như những người lính văn công trong chiến trường.

Phòng Văn hóa thông tin thành phố Huế lúc bấy giờ có 2 Đội, Đội Văn nghệ xung kích do anh Lý Văn Nghiên làm Đội trưởng hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực văn nghệ quần chúng, một thời ghi dấu ấn trên các sân khấu ca nhạc suốt dọc các tỉnh miền Trung. Đội TTLĐ hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực tuyên truyền, trên nền dân ca và sân khấu hóa, trong đó lấy tuyên truyền miệng làm chủ đạo để dàn dựng thành những “câu chuyện thông tin” nhằm chuyển tải nội dung đến người nghe. Xét về lý thuyết đó là phương thức tuyên truyền bất di, bất dịch. Xét về thực tiễn thì hiệu quả của thông tin, tuyên truyền rất cao. Chính vì vậy mà tính chuyên nghiệp của Đội ngày càng phát triển.

Ông Trần Thân Mỹ, nguyên Trưởng phòng VHTT thành phố Huế (hiện là cán bộ hưu trí phường Trường An) là người dành nhiều tâm huyết trong quá trình chỉ đạo Đội TTLĐ. Với Ông, tôi luôn kính trọng như người thầy. Còn nhớ, sau cơn bão số 8 (tháng 8/1985), cùng với các lực lượng quân đội, công an, các tổ chức chính trị, xã hội của thành phố, Đội TTLĐ cũng là một binh chủng tham gia việc khắc phục hậu quả sau bão lụt tại các xã ven biển, đầm phá.

Hồi đó cả phòng VHTT Huế chỉ có duy nhất 1 chiếc xe Jeep, tôi đề xuất chở cho Đội về đến xã Phú Tân (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang ngày nay), sau đó xe sẽ quay lên. Ông hỏi lại:

- Vậy từ Phú Tân, Đội di chuyển bằng phương tiện gì để qua Thuận An, Phú Thuận, Hải Dương… ?

- Thưa chú, sẽ nhờ UBND xã cho mượn thuyền máy để đi từ xã này sang xã khác.

Ông gạt phắt.

- Không được, các cậu về xã ngoài việc tuyên truyền còn phải giúp dân dựng nhà, khắc phục hậu quả sau bão lụt. Nghiêm cấm bất kỳ hình thức nào làm phiền hà UBND các xã mà Đội đến công tác.

Tôi chấp hành nhưng trong lòng không vui vì thấy thủ trưởng quá nghiêm túc, nhất là đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Thế rồi tất cả phải lên đường bằng xe đạp, chỉ ưu tiên cho 2 cô Ái Hoa và Xuân Thu được ngồi trên xe xích lô cùng các trang bị của Đội để đi về xã Phú Tân. Về đến nhà anh Phan Cớ, chủ tịch xã, cả mấy anh em nam giới chúng tôi cùng leo lên mái nhà để lợp lại mái, Ái Hoa xuống bếp góp gạo nấu cơm chung cùng với gia đình, Xuân Thu và Minh Công thực hiện chương trình phát thanh đầu tiên đầu tiên sau 2 tuần bà con bị gián đoạn thông tin. Những hoạt động thiết thực ấy đã gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân tại các xã ven biển, đầm phá.

Hai hôm sau, trong lúc anh chị em trong Đội đang làm việc ở một thôn ven phá thì thủ trưởng Mỹ của chúng tôi xuất hiện, quần xăng quá gối, tay dắt chiếc xe đạp lấm lem bùn đất, ông về vừa kiểm tra công tác khắc phục bão lụt theo phân công của lãnh đạo thành phố, vừa chỉ đạo, động viên chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Buổi cơm trưa hôm ấy ông cùng ăn với anh em trong Đội, vừa xuýt xoa khen cá bống kho rất ngon nhưng nhiều ớt, cay quá.

Xuân Thu không nhịn được cười tự khai

- Thưa chú, Đức Hùng biết chú ăn cay không được nhưng lại dặn cháu bỏ thiệt nhiều ớt…

Tôi chết điếng người nhưng ông cười rất vui

- Chú biết Hùng giận chú vì không cho Đội đi xe Jeep, ngay cả chú đi công tác cũng bằng xe đạp. Chú muốn Đội TTLĐ phải thật sự gần dân hơn nữa.

         Đó là bài học đầu tiên khi tôi bắt đầu tập tểnh làm công tác quản lý Đội TTLĐ, tư tưởng chỉ đạo đó đã xuyên suốt trong toàn Đội trong những năm thập niên 1980. Có lần, trong dịp têt nguyên đán, HTX nông nghiệp Hương Hồ 2 mổ cả một con lợn khoảng 30kg thịt mang về Huế để tặng anh em vì Đội đã góp phần đưa năng suất lúa của HTX vượt trội mọi năm nhờ công tác truyên truyền giống lua mới.

         Tại HTX Nông nghiệp Thủy Dương, khi đón nhận danh hiệu anh hùng, đồng chí Hoàng Lanh, Bí thư thành ủy lúc bấy giờ chỉ thị Đội TTLĐ về biểu diễn chương trình “ Thủy Dương, con đường đi lên 10 tấn”, đây là chương trình đạt huy chương vàng trong liên hoan đưa thông tin về cơ sở toàn quốc năm 1986 tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

         Năm 1991, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, chương trình “Ngôi nhà tình nghĩa” viết về 2 bà mẹ liệt sĩ, nhường nhau để nhận 1 ngôi nhà tình nghĩa của xã tặng trong điều kiện khó khăn do xã chưa làm được ngôi nhà thứ 2 đã gây xúc động trong nhũng làn điệu dân ca vời vợi tại liên hoan đưa thông tin về cơ sở toàn quốc ở Quảng Ninh. Chương trình này đã được sở Văn hóa thông tin các tỉnh Hà Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An mời biểu diễn khi trên đường Đội trở về Huế

         Đất nước vào những năm cuối của thập niên 80 đã có nhiều bước chuyển, cơ chế quản lý kinh tế thị trường như một luồng sinh khí mới thổi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đội TTLĐ đã liên kết được với các ngành Nông nghiệp, Y tế, Bảo hiểm, Giao thông vận tải, các công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn… để xây dựng các chương trình tuyên truyền theo “đặt hàng”, nhờ vậy đã giải quyết được cơ bản những khó khăn về kinh phí sự nghiệp của Phòng VHTT, khẳng định sự tồn tại và phát triển của Đội TTLĐ chuyên nghiệp thành phố Huế.

         Hình ảnh chiếc xe Jeep trắng với băng cờ, khẩu hiệu và hệ thống phóng thanh gắn trên xe trong những sự kiện chính trị của thành phố. Hình ảnh của các diễn viên trong Đội như Ái Hoa với cây đàn nguyệt và làn điệu Hầu văn, Khánh Vân ngọt ngào trong các tổ khúc dân ca, Thúy Vân sâu thẳm trong câu hò mái nhì, mái đẩy, Xuân Thu với những khúc tình ca xứ Huế, Minh Công, Thái Hòa với vai hài trong các câu chuyên thông tin… đã một thời vang vọng trong lòng người dân thành phố, nhất là bà con ở các xã Bình Điền, Hương Bình, Bình Thành, các xã ven biển, đầm phá.

         Sau 30 năm, cả 5 thành viên đầu tiên trong Đội TTLĐ trở lại Bình điền với biết bao nhiêu đổi thay, màu thời gian in đậm trên mái tóc nhuốm bạc của từng người, họ vẫn lên sân khấu, hòa mình trong không khí văn nghệ quần chúng, hồn nhiên như một thời trai trẻ đã đi qua./.

        

 

 

 

 

 

 

 

Đội TTLĐ thành phố Huế trên đường đi biểu diễn tại HTXNN Hương Hồ 2 (từ trái qua-Đức Linh-Ái Hoa-Xuân Thu- Mnh Công- Thái Hòa ở phía sau) - ảnh: Đức Hùng, năm 1984

 

 

 

Và hình ảnh của Đội TTLĐ sau 30 năm (từ trái qua Minh Công-Ái Hoa-Đức Hùng-Xuân Thu-Thái Hòa tại Bình Thành) Ảnh: Hữu Quyết.

 

 

Hồn nhiên như một thời trai trẻ trong tổ khúc dân ca tại thôn Bình Lợi, xã Bình Điền. Ảnh Lê Quyết.

Đức Hùng PGĐ Sở TT&TT Tỉnh TT Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 228