Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Nghị quyết 36: “Cơ hội vàng” cho CNTT Việt Nam phát triển
Ngày cập nhật 13/11/2014

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, CNTT Việt Nam một lần nữa có "cơ hội vàng" để phát triển.

Kim chỉ nam cho phát triển CNTT trong 10-20 năm tới

Ngày 9/10/2014, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW (NQ 36) ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế theo hình thức hội nghị trực tuyến với 47 điểm cầu.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức; các Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và Trần Đức Lai; nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá; nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp; nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực... cùng đại diện lãnh đạo 17 tỉnh, TP khu vực phía Bắc.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định, những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão và sự lan tỏa của CNTT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. CNTT ở Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển vượt bậc với những thành tích ấn tượng, đã trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật đóng góp ngày càng to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Vị thế của CNTT Việt Nam trên trường quốc tế liên tục được cải thiện.

“Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, luôn quan tâm đến sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng. Các quyết sách, chỉ đạo của Đảng về CNTT như Chỉ thị 58 năm 2000 về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là những quyết sách đúng đắn, kịp thời và là yếu tố quyết định giúp cho CNTT Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức để có được thành tích và sự phát triển ngày nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc Bộ Chính trị ban hành NQ 36 ngày 1/7/2014 tiếp tục khẳng định sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT, khẳng định vị trí, vai trò của CNTT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Những định hướng, tư tưởng, giải pháp lớn trong NQ 36 là tiền đề quan trọng để CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn.

NQ 36 được ban hành cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng với CNTT, một lĩnh vực ngày càng có vai trò quan  trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát  triển đất nước. Đồng thời, với NQ 36, một lần nữa CNTT Việt Nam lại có "cơ hội vàng" để phát triển. Nghị quyết này là văn bản mang tầm chiến lược, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển ngành CNTT nước ta trong khoảng 10 - 20 năm tới.

Ông Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, CNTT đã được Đảng và Nhà nước xác định là công cụ hữu hiệu để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, là chìa khóa mở ra cánh cửa để dân tộc ta bước vào giai đoạn mới. Mặc dù Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn nguyên giá trị và có tính thực tiễn cao; nhưng sau khi xem xét, đánh giá thực trạng phát triển ngành CNTT cùng những yêu cầu đặt ra cho phát triển đất nước, Bộ Chính trị khóa XI đã quyết định thông qua chủ trương, định hướng mới của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế tại NQ 36 ngày 1/7/2014.

Trong NQ 36, Bộ Chính trị đã khẳng định 4 quan điểm chính gồm: Thứ nhất,CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Thứ hai, ứng dụng, phát triển CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, cần được chú trọng, ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới DN, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thu hút các tập đoàn công nghiệp CNTT đa quốc gia, hình thành các trung tâm nghiên cứu, phát triển.

Thứ tư, đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt, tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Trên cơ sở các quan điểm chính trên, NQ 36 chỉ rõ mục tiêu phải đạt được thời gian tới, đó là: CNTT phải được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người Việt Nam và nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia trong chiến tranh mạng. Đến năm 2030, đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ CNTT đạt trình độ tiên tiến thế giới; Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT.

Đưa Nghị quyết 36 vào cuộc sống

Để đưa NQ 36 vào cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của giới CNTT, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng, Chính phủ xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết, đồng thời giao các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhằm chi tiết các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu của NQ 36, đề ra các phương hướng hành động, phối hợp; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, DN. Tới đây, khi Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, các cấp, các ngành, địa phương sẽ căn cứ theo Chương trình này để xây dựng kế hoạch và chương trình hành động phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, tính đến ngày 8/10/2014, đơn vị dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 36 đã tiếp nhận, tổng hợp ý kiến góp ý của các 16 Ban, Bộ ngành Trung ương và 32 địa phương.

Trong khuôn khổ Hội nghị phổ biến, quán triệt NQ 36 ngày 9/10, bên cạnh việc thống nhất quan điểm việc quán triệt nội dung, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện NQ 36 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành CNTT nói riêng và đất nước nói chung, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ.

Bộ TT&TT sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị này và những góp ý bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động, trình Chính phủ ban hành ngay trong tháng 10/2014 nhằm sớm hiện thực hóa các nội dung của NQ 36.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương chú ý tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc 4 quan điểm cơ bản của Đảng về vai trò, vị trí của công tác ứng dụng, phát triển CNTT trong giai đoạn mới.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt để thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn NQ 36 đã đề ra. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần chú ý triển khai ngay nhiệm vụ thứ nhất về đổi mới, nâng cao nhận thức về ứng dụng, phát triển CNTT với những nội dung quan trọng như: quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quan điểm mới, vai trò, vị trí của CNTT, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; người đứng đầu các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo ứng dụng, phát triển CNTT trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình; đảm bảo ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như trong từng đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan.

“Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, quán triệt thực hiện NQ 36 có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí, các đài phát thanh truyền hình, nhất là các cơ quan quản lý báo chí và các đơn vị báo chí, truyền thông của Bộ cần có kế hoạch đẩy mạnh, thường xuyên liên tục tuyên truyền phổ biến NQ 36, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNTT, các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai NQ 36”, Bộ trưởng nói.

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, nhất là các cơ quan liên quan trực tiếp như Vụ CNTT, Cục Tin học hóa, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin và các đơn vị khác, theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động tham mưu, đề xuất và  triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể để thực hiện Nghị quyết 36.

Theo Báo Bưu điện
nguồn Sở TT&TT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 538