Theo hướng dẫn của chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Bình, tôi đến gặp chị Lê Thị Hiếu một trong những hộ có thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng khi chị đang làm cỏ rừng. Quệt vội những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán chị bắt đầu kể cho tôi nghe hành trình làm giàu của chị:
Năm 1976, theo chủ trương của Đảng, nhà nước gia đình chị lên Hương Bình lập nghiệp. Bố mất sớm, 4 mẹ con chị dựa vào nhau để làm ăn sinh sống. Lúc bấy giờ làm ruộng không thể đủ sống, gia đình phải buôn củi thêm và giành dụm được số vốn nhỏ; chuyển sang buôn bán các mặt hàng tạp hoá, từ đó kinh tế mới có phần khởi sắc.
Năm 1992 chị lấy chồng, mẹ cho mẫu đất, hai vợ chồng dựng một cái chòi ra ở riêng. Từ một cô gái chỉ biết cơm nước, chăm sóc chồng con chị bắt đầu học cách làm vườn, cùng chồng cuốc đất trồng rừng. Ban đầu khi trồng do chưa biết kỹ thuật và chọn giống cây chưa thích hợp với loại đất nên tỷ lệ cây chết quá lớn. Hai vợ chồng mua các loại sách tham khảo về nghiên cứu, đi học hỏi các hộ trồng xung quanh, lần thứ hai trồng tỷ lệ cây chết ít hơn, từ đó chị đã dần dần tích lũy được kinh nghiệm. Hiện nay chị đã đưa loại cây keo tai tượng vào trồng trên diện tích 10 ha, bên cạnh đó trồng thêm 5 ha cây cao su lấy mủ. Đến mùa khai thác chị đã tạo công ăn việc làm cho 02 đến 03 lao động trả công từ 2,5 đến 3 triệu đồng/ người/ tháng. Khai thác lứa rừng đầu tiên trên 250 triệu đồng đầu tư vốn trồng rừng mới, số tiền lãi còn lại 60 triệu đồng anh chị lên thôn 4 xã Hồng Tiến 4 con mua trâu và gửi theo đàn của những hộ nuôi. Cứ vậy, trãi qua hơn 20 năm quyết tâm gắn bó nghề trồng rừng mà bây giờ nguồn thu từ rừng của gia đình chị lên trên 300 triệu đồng/ năm. Đàn trâu 50 con và đàn bò 20 con chị vừa mới bán để tiếp tục đầu tư trồng rừng kinh tế. Chị cho biết đầu tư vào trồng và chăm sóc rừng có lợi hơn nuôi trâu bò phải lo lắng dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm cũng như phải thuê thêm người trông giữ, không cẩn thận là mất hết vốn liếng. Theo chị mặc dù giá mủ cao su hiện nay chỉ còn 8.000 đồng/ kg so với năm 2012 mỗi kg mủ có giá 40.000 đồng; một số hộ có dự tính sẽ phá bỏ riêng chị vẫn giữ vững lập trường duy trì chăm sóc diện tích vì cây cao su từ trồng cho đến khi lấy mủ phải mất 7 đến 10 năm. Kỷ thuật trồng, chăm sóc đã được cán bộ phòng Kinh tế thị xã, Trung tâm khuyến lâm của tỉnh tập huấn nên không phải lo lắng gì, sau này thị trường ổn định giá cả sẻ thay đổi.
Từ khi có nguồn lợi thu nhập từ rừng chị đã cùng với người thân trong gia đình làm tốt công tác hỗ trợ cho phụ nữ gặp hoạn nạn khó khăn với số tiền trên 20 triệu đồng. Vận động chị em tham gia tiết kiệm tại chổ với số tiền 34 triệu đồng giúp đỡ cho 34 phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình, quyên góp được 1.448 lon gạo giúp cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Bản thân chị thực hiện rất tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về thực hành tiết kiệm, giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Chị đã gương mẫu đi đầu trong việc chia sẽ kinh nghiệm trong trồng rừng thương mại, trong chăn nuôi trâu, bò, cải tạo vườn tạp. Trong thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với 8 tiêu chí của gia đình “5 không 3 sạch” thường xuyên hướng dẫn các hộ gia đình giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày, trong thu hoạch cây khi đốn hạ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống bão lụt mỗi khi mùa mưa đến. Thu gom phân loại xử lý rác thải, xây dựng tuyến đường “Xanh, sạch, đẹp”.
Gia đình chị thật sự hạnh phúc, hiện nay con đầu của chị đã tốt nghiệp Đại học, cháu thứ hai đang học Cao đẳng, cháu thứ ba đang học lớp 10. Chị luôn dành thời gian chăm sóc, hướng dẫn động viên, tạo quỹ thời gian để giáo dục, định hướng để các con sau khi ra trường có cơ hội tìm được việc làm thích hợp.
Nhìn khoảng rừng mới trồng được hơn 01 năm đang lên xanh tốt chị nói với tôi: làm giàu từ trồng rừng cũng nhanh nhưng vợ chồng phải biết đồng tâm, hiệp lực có kế hoạch khai thác hợp lý khi đó lợi nhuận mang lại mới cao. Chị mong muốn trong thời gian không xa những người trồng rừng ở xã Hương Bình thành lập được “Hiệp hội những người thu gom, chế biến gỗ” để có cơ hội đi giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm không những ở trong tỉnh mà ra ngoài tỉnh bạn.
Với những thành quả mà chị đạt được trong năm 2014. Ban Thường vụ Hội LHPN thị xã Hương Trà làm hồ sơ đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen.