Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 23-30/11/2014)
Ngày cập nhật 03/12/2014

Trước ngày 02/12/2014 phải hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của Ban Tiếp công dân các cấp trên địa bàn tỉnh; 686 triệu đồng xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; Từ ngày 04/12/2014, áp dụng quy chế mới về quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức; Thành lập Ban Tổ chức Hội thi Công chức, viên chức ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2014; Hơn 140 triệu đồng hỗ trợ cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin tại huyện A Lưới; Tiếp nhận viện trợ của Tổ chức Sunflower Mission (Hoa Kỳ) để trao học bổng cho học sinh; Tăng cường các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Từ ngày 06/12/2014, áp dụng quy định mới về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh; Quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 23-30/11/2014).

686 triệu đồng xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh

Theo Quyết định số 2485/QĐ-UBND vừa được UBND tỉnh ban hành, Đề án “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện Đề án là 686 triệu đồng và thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016. Năm 2014 sẽ xây dựng mô hình khung Hệ thống quản lý chất lượng cấp xã và triển khai mô hình điểm tại phường Phú Hội, năm 2015 sẽ triển khai tại 50% xã, phường, thị trấn (75 đơn vị) và năm 2016 triển khai tại các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh. Nội dung Đề án thực hiện gồm:

- Tổ chức đào tạo nhận thức chung, xây dựng hệ thống văn bản, chuyên gia đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

- Tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã được quy trình hóa theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

- Các hoạt động điều hành nội bộ của Văn phòng, UBND cấp xã được quy trình hóa theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

- Tổ chức triển khai và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 cho tất cả công chức chuyên môn và nghiệp vụ tại UBND cấp xã có liên quan đến giải quyết công việc của Văn phòng, UBND cấp xã; thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã theo mô hình khung.

- Tiến hành đánh giá nội bộ, tổ chức khắc phục, phòng ngừa các hoạt động không phù hợp.

- Công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

 

Từ ngày 04/12/2014, áp dụng quy chế mới về quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 24/11/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 70/2014/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, quy chế mới này có hiệu lực kể từ ngày 04/12/2014 và thay thế Quyết định số 1195/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Quyết định, việc xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đi việc riêng gồm xuất cảnh nghỉ phép, tham quan du lịch, tham quan học tập kinh nghiệm, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, thăm thân nhân ở nước ngoài… mà kinh phí do cá nhân tự chi trả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế ra quyết định cho phép cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền xuất cảnh đi nước ngoài việc riêng. Quy trình, thủ tục xuất cảnh đi việc riêng do Thủ trưởng các cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành. Đối với các chức danh lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, xuất cảnh việc riêng phải có Quyết định cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh. Quy trình thủ tục được áp dụng theo quy định chung về xuất cảnh của công chức, viên chức nhà nước đi việc công.

Đối với việc xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đi việc công, cơ quan, đơn vị chủ quản có trách nhiệm lựa chọn và đề cử nhân sự đi công tác nước ngoài, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý đi công tác nước ngoài. Trong trường hợp có đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cần nêu rõ ở văn bản báo cáo.

Quyết định quy định rõ trình tự thủ tục quyết định xuất cảnh, cụ thể: Cơ quan có nhu cầu cử cán bộ đi công tác nước ngoài phải phải có văn bản cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý đi công tác nước ngoài trình Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Ngoại vụ. Văn bản phải có chữ ký trực tiếp của lãnh đạo và đóng dấu của cơ quan. Văn bản bao gồm các nội dung chính sau: Họ tên, chức danh của người được cử hoặc cho phép đi nước ngoài; Nước đến, thời gian đến, mục đích công tác ở nước ngoài, kinh phí chuyến đi; Trường hợp là Đảng viên thì trong văn bản ở mục lý lịch trích ngang phải ghi rõ là Đảng viên; Là công chức, viên chức có mã số, ngạch, bậc thì phải ghi rõ mã số, ngạch, bậc của công chức, viên chức đó; Là công chức, viên chức thuộc loại không được bổ nhiệm vào một ngạch công chức, viên chức thì văn bản phải ghi rõ loại công chức, viên chức đó.

Trường hợp kinh phí do phía mời tài trợ thì phải đính kèm thư mời của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài, nếu thư mời bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt có chứng thực. Trường hợp kinh phí chuyến đi do ngân sách tỉnh chi trả thì phải được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh bằng văn bản. Trường hợp đối tượng xuất cảnh thuộc Điều 10 chương III Quyết định số 44/2013/QĐ-UBND ngày 07/11/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp về quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức tỉnh Thừa Thiên Huế thì phải được sự đồng ý của lãnh đạo UBND tỉnh bằng văn bản. Trường hợp các đối tượng xuất cảnh thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì phải được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng văn bản. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức xin đi đào tạo ở nước ngoài từ Thạc sỹ trở lên thì phải được sự đồng ý của Sở Nội vụ bằng văn bản.

Thời gian giải quyết thủ tục xuất cảnh là 07 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Thành lập Ban Tổ chức Hội thi Công chức, viên chức ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2014 tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Quyết định số 2497/QĐ-UBND vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành, Ban Tổ chức Hội thi Công chức, viên chức ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2014 tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập gồm 06 thành viên, Trưởng ban là Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh; Phó Trưởng ban trực là Ông Lê Sỹ Minh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Phó Trưởng ban là Ông Bạch Chơn Đông - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cùng 03 ủy viên là Ông Đặng Ngọc Trân - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Ông Lê Vĩnh Chiến - Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh.

Ban Tổ chức Hội thi Công chức, viên chức ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2014 tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ cho Ban đề thi, Ban giám khảo, Tổ thư ký Hội thi; Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các công việc liên quan đến Hội thi; Giám sát hoạt động của Ban đề thi, Ban giám khảo, Tổ thư ký Hội thi; Phê chuẩn nội dung đề thi, đáp án, kết quả thi do Ban đề thi, Ban giám khảo trình; Quyết định giải thưởng và giải quyết khiếu nại (nếu có).

 

Hơn 140 triệu đồng hỗ trợ cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 25/11/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung ký Quyết định số 2491/QĐ-UBND phê duyệt tiếp nhận viện trợ từ tổ chức Development Worldwide (Cộng hòa Séc).

Theo Quyết định, tổ chức Development Worldwide (Cộng hòa Séc) sẽ viện trợ bằng tiền trị giá 140.160.000 đồng (tương đương 6.400 USD) thông qua Sở Ngoại vụ để hỗ trợ cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Tiếp nhận viên trợ của Tổ chức Sunflower Mission (Hoa Kỳ) để trao học bổng cho học sinh tiểu học Quảng Điền và Phong Điền

Ngày 25/11/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung ký ban hành Quyết định số 2492/QĐ-UBND phê duyệt tiếp nhận viện trợ từ Tổ chức Sunflower Mission (Hoa Kỳ).

Theo Quyết định, tổ chức Sunflower Mission (Hoa Kỳ) sẽ viện trợ bằng tiền trị giá 77.700.000 thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh để trao học bổng cho các em học sinh trường tiểu học số 2 Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) và trường tiểu học Phong Thu (huyện Phong Điền).

 

Trước ngày 02/12/2014 phải hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của Ban Tiếp công dân các cấp trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Công văn số 2826/TTCP-BTCDTW ngày 19/11/2014 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 27/11/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ký ban hành Công văn số 6715/UBND-BTCD yêu cầu Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Huế, các thị xã, các huyện tổ chức thực hiện:

- Khẩn trương hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện đi vào hoạt động ổn định; thực hiện tốt Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 23/7/2014 của UBND tỉnh về “Triển khai thực hiện về tổ chức bộ máy tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”; báo cáo kết quả UBND tỉnh (thông qua Ban Tiếp công dân tỉnh) trước ngày 02/12/2014. Quá trình thành lập, kiện toàn tổ chức Ban Tiếp công dân các cấp chú ý chọn người có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công tác, có kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; ưu tiên chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ tại Ban Tiếp công dân.

- Khi bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân theo mô hình mới, cần sử dụng cán bộ, công chức có tính kế thừa; cần quan tâm sắp xếp, bố trí vị trí công tác mới tương đương đối với cán bộ, công chức trước khi chuyển sang Ban Tiếp công dân giữ chức vụ từ cấp phó trở lên để đảm bảo quyền lợi, nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, công chức tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.

- Đối với việc quản lý con dấu: Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được thành lập, căn cứ văn bản số 3443/C61-C64 ngày 27/8/2014 của Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an hướng dẫn về trình tự, thủ tục và mẫu dấu để khắc dấu. Việc quản lý, sử dụng con dấu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

- Thực hiện tốt Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh về “Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, thực hiện việc tiếp dân theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền - nhất là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp; hạn chế công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Tỉnh, Trung ương.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác tiếp công dân; chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực; kịp thời phê phán, xử lý những hành vi vi phạm và những biểu hiện sai trái trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; biểu dương những cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong công tác tiếp dân, tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Chỉ đạo Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện:

+ Tăng cường phối hợp với Ban Tiếp công dân cấp trên, phối hợp với các cơ quan Đảng, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác tiếp công dân, tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

+ Cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên lạc của công chức và Ban Tiếp công dân, địa chỉ email, đường dây nóng liên lạc khi cần thiết (theo mẫu đính kèm), gửi về Ban Tiếp công dân Trung ương trước ngày 30/11/2014 (đối với Ban Tiếp công dân tỉnh), gửi về Ban Tiếp công dân tỉnh trước ngày 05/12/2014 (đối với Ban Tiếp công dân cấp huyện);

+ Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo đúng thời gian, biểu mẫu qui định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP, ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 5134/UBND-KNTD ngày 03/10/2013. Nội dung báo cáo gồm kết quả tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất tại trụ sở tiếp công dân của địa phương; Tình hình khiếu nại, tố cáo - nhất là các vụ việc đông người, phức tạp; Dự báo tình hình các vụ việc đông người, phức tạp có thể khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan cấp Tỉnh, Trung ương.

- Chỉ đạo Văn phòng UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác phối hợp cung cấp thông tin về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo nội dung chỉ đạo tại Công văn số 5134/UBND-KNTD ngày 03/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh. Thực hiện việc gửi các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp mình lên Trụ sở Tiếp công dân cấp trên để theo dõi và phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư nhằm đảm bảo việc xử lý chính xác, hạn chế tình trạng chuyển đơn thư, hướng dẫn công dân không đúng quy định. Ngoài ra, UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Thông báo kết luận các buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo thời gian qui định (báo cáo đồng thời gửi Ban Tiếp công dân tỉnh để tổng hợp nhằm phục vụ công tác tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo UBND tỉnh). 

- Chỉ đạo việc cập nhật dữ liệu, thông tin trên Hệ thống phần mềm dùng chung về quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được UBND tỉnh triển khai và chỉ đạo thực hiện tại các văn bản số: 5134/UBND-KNTD ngày 03/10/2013, số 3462/UBND-CNTT ngày 26/6/2014, số 4246/UBND-CNTT ngày 01/8/2014.

- Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp, các sở ngành liên quan thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên của Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Tăng cường các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh đã được khống chế góp phần không nhỏ vào việc ổn định và phát triển của ngành chăn nuôi, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm; tình hình mưa lũ, bão lụt đang còn diễn biến phức tạp kéo theo các loại mầm bệnh trôi nổi và phát tán rộng; việc buôn bán gia súc, gia cầm bất hợp pháp qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt; nhiều người chăn nuôi bắt đầu tập trung tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền 2015,... nên nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng trong những tháng cuối năm là rất cao.

Để tăng cường các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo Công văn số 9102/BNN-TY ngày 11/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 27/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6716/UBND-NN yêu cầu:

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung chỉ đạo chủ động áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan dịch bệnh trong dịp cuối năm, cụ thể tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin đợt chính và đợt bổ sung để chủ động phòng các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở lợn, bệnh dại cho chó và các bệnh bắt buộc phải phòng bệnh bằng vắc xin theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn, lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện sớm các ổ dịch gia súc, gia cầm nhằm xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp; củng cố hệ thống báo cáo dịch đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và cập nhật thường xuyên theo Thông tư số 53/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo ngành Thú y chủ động phối hợp với ngành Y tế trong việc chia sẽ thông tin, phối hợp phòng, chống bệnh truyền lây chung giữa động vật và người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở : Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao Thông vận tải; Công an tỉnh, Cục Hải Quan, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật theo đúng quy định hiện hành; ngăn chặn triệt để, có hiệu quả việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi, từng cộng đồng dân cư về quyền lợi, trách nhiệm trong việc chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho xã hội, giảm thiểu nguy cơ lây truyền một số bệnh nguy hiểm cho người. Tuyên truyền, vận động người buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật chấp hành nghiêm các qui định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật không tham gia vào các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp.

- Chi cục Thú y phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y.

 

Từ ngày 06/12/2014, áp dụng quy định mới về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh

Ngày 26/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh.Quyết định có hiệu lực từ ngày 06/12/2014 và thay thế Quyết định số 84/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh

Theo đó, các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phải lập thủ tục cấp phép theo quy định, trừ các trường hợp không phải đăng ký và không phải xin phép được quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Các trường hợp xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép

Theo Quyết định, có 4 trường hợp sau khi xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép, cụ thể:

- Xả nước thải sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân;

- Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ; không thuộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

+ Dệt nhuộm; may mặc có công đoạn nhuộm, in hoa; giặt là có công đoạn giặt tẩy;

+ Luyện kim, tái chế kim loại, mạ kim loại; sản xuất linh kiện điện tử;

+ Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp; thuộc da, tái chế da;

+ Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất; lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm dầu mỏ;

+ Sản xuất giấy và bột giấy; nhựa, cao su, chất tẩy rửa, phụ gia, phân bón, hóa chất, dược phẩm, đông dược, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật; pin, ắc quy; mây tre đan, chế biến gỗ có ngâm tẩm hóa chất; chế biến tinh bột sắn, bột ngọt;

+ Khám, chữa bệnh có phát sinh nước thải y tế;

+ Thực hiện thí nghiệm, xét nghiệm có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ.

- Xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đó;

- Xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa.

Cũng theo Quyết định, các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

(1) Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP.

(2) Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực. Phương án, biện pháp xử lý nước thải thể hiện trong đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước phải bảo đảm nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước.

(3) Đối với trường hợp xả nước thải vào nguồn nước, ngoài 2 điều kiện (1) và (2) trên, còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân khác đủ năng lực thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp đã có công trình xả nước thải;

- Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp chưa có công trình xả nước thải;

- Đối với trường hợp xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000 m3/ ngày đêm trở lên, còn phải có phương án, phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và thực hiện việc giám sát hoạt động xả nước thải theo quy định.

(4) Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, ngoài 2 điều kiện (1) và (2) trên, còn phải có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước theo quy định; trường hợp chưa có công trình thì phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước.

(5) Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 53 của Luật tài nguyên nước, điều kiện (1) và (2) trên và các điều kiện sau đây:

- Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;

- Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

Quyết định này quy định chi tiết việc điều tra và lập quy hoạch tài nguyên nước; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; nghĩa vụ tài chính về tài nguyên nước; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước, xử lý vi phạm hoạt động tài nguyên nước; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước...

 Quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô

Ngày 27/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ban hành Quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 07/12/2014 và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quy định này. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc nuôi thương phẩm tôm chân trắng thâm canh trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô đều phải tuân thủ theo Quyết định này.

Theo Quyết định, việc thả nuôi phải bảo đảm tuân theo khung lịch thời vụ và hướng dẫn hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi;

Giống vận chuyển, thả nuôi phải được kiểm dịch của cơ quan thú y, chấp hành quy định về xét nghiệm (đặc biệt đối với một số bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, hội chứng taura, đầu vàng, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, hoại tử gan tụy, hoại tử cơ, bệnh đen mang, hội chứng hoại tử gan tụy) và các quy định về quản lý chất lượng con giống. Cỡ giống thả nuôi tối thiểu Postlarvae 12 (P12), chiều dài tối thiểu 9 mm. Mật độ tôm giống thả nuôi thâm canh là 60 - 100 con P12/m, có hệ thống quạt nước.

Chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thức ăn tươi sống để nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô. Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa; Không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng.

Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong việc phòng, trị bệnh tôm; xử lý, cải tạo ao nuôi phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa; Không sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường hết hạn sử dụng.

Mực nước ao nuôi tôm phải được duy trì thấp nhất 1,4 m. Khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn từ 2-5 lần/ngày. Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.

Ngoài ra, Quyết định con quy định chi tiết về điều kiện nuôi tôm chân trắng như điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi; điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở nuôi tôm...

 

www.thuathienhue.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 441