Theo báo cáo, ngay từ đầu năm 2014, các tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân triển khai tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa theo Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA. Lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã huy động các lực lượng cùng tham gia tại các điểm kiểm tra tải trọng xe lưu động, giải quyết, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, “cò”, “môi giới dẫn xe” trốn tránh trạm cân...Qua đó, đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chấp hành quy định về vận tải đường bộ; tình trạng xe ô tô chở hàng quá trọng tải đã có chuyển biến tích cực, nhất là tại các địa phương, các đoạn, tuyếnđường tổ chức kiểm tra tải trọng xe.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp chặt chẽ để triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát việc chuyên chở hàng hóa vượt quá trọng tải, nhất là việc hiện tượng cơi nới thùng xe, chở hàng vượt quá chiều cao thiết kế của xe để chuyên chở quá khổ, quá tải…Tính từ ngày 17/12/2013 đến ngày 22/12/2014, đã kiểm tra 14.788 xe tại trạm kiểm tra tải trọng xe và tổ kiểm tra tải trọng xe bằng cân xách tay (chủ yếu trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh) phát hiện 3.071 xe vi phạm, bắt buộc hạ tải 2.434 tấn hàng hóa, đồng thời xử phạt trên 8,6 tỷ đồng, tước 3.071 giấy phép lái xe.
Đánh giá cao hiệu quả công tác phối hợp của liên bộ Giao thông Vận tải - Bộ Công an và các địa phương trong việc tăng cường kiểm soát vấn nạn xe quá khổ, quá tải trong năm qua. Tuy nhiên, tại hội nghị các đại biểu cho rằng, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém, vẫn còn chạy theo lợi nhuận, khoán khối lượng vận chuyển cho lái xe, tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải...Vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hàng vận tải, cơ quan đăng kiểm, hải quan trong việc kiểm soát tải trọng xe cũng như nâng cao năng lực ngành vận tải. Bên cạnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế chính sách để hình thành các doanh nghiệp vận tải quy mô lớn và vừa, có đủ điều kiện nghiên cứu, ứng dụng KHKT. Các địa phương cũng kiến nghị được đầu tư thêm hệ thống trạm cân, thiết bị cân xách tay, tăng cường lực lượng cán bộ để xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT và các cơ quan quản lý đường bộ siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá trọng tải, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ. Đồng thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép lưu hành với thủ tục hành chính nhanh gọn. Rà soát, cắmđầy đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ để người tham gia giao thông biết thực hiện và làm căn cứđể xử lý vi phạm quá tải trọng cầu, đường.
Bộ Công an sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao công tác kiểm soát trọng tải xe, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của ngành GTVT triển khai đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, lâu dài, đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.
www.thuathienhue.gov.vn