Thành lập Tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; Thành lập Tổ Công tác nghiệp vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tỉnh; Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH MTV Cúc Gia Bảo đầu tư dự án “Nhà máy sợi, may mặc xuất khẩu Cúc Gia Bảo” tại Khu công nghiệp Quảng Vinh; Thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Gành Lăng, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc; Triển khai dịch vụ tư vấn hành chính công qua tổng đài 1080 và SMS; Kế hoạch xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử năm 2015; Khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ 15/3-22/3/2015).
Thành lập Tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 16/3/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 526/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Tổ công tác) do ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là làm đầu mối hỗ trợ 24/24 giờ các nhà đầu tư của dự án trọng điểm và nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả dự án trong các khu công nghiệp và khu kinh tế);
Đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát vị trí các khu đất theo đề xuất của các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư đối với từng vị trí khu đất và hỗ trợ các thủ tục đầu tư đối với dự án theo quy định. Xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể, thời gian thực hiện đối với từng hạng mục công việc nhằm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án;
Đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tham mưu UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể, thời gian thực hiện đối với từng hạng mục công việc nhằm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 20/01/2015 về việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành lập Tổ Công tác nghiệp vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 17/3/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 530/QĐ-UBND Thành lập Tổ Công tác nghiệp vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Tổ công tác CNTT) do ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng.
Nhiệm vụ của Tổ Công tác CNTT đó là nghiên cứu các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp kỹ thuật thống nhất trên toàn tỉnh phục vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước. Đề xuất các mô hình kiến trúc tổng thể, giải pháp liên thông phần mềm, tư vấn các giải pháp kỹ thuật; nghiệp vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tham gia biên soạn, góp ý Đề án Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở nghiên cứu mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử của các địa phương, Đề án 112 của Chính phủ và quy hoạch hạ tầng CNTT, các hệ thống thông tin đã triển khai trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp kỹ thuật, quy chế, chính sách để triển khai Dự án nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh, ISO điện tử, một cửa điện tử, thành phố thông minh. Đề xuất các danh mục dự án khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh để triển khai thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 16/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu mô hình Văn phòng điện tử đối với Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan hành chính nhà nước.
Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 18/3/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch (số 38/KH-UBND) Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu chung là bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, phối hợp cơ quan Trung ương hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghề cá và nguồn lợi thủy sản; đưa công tác dự báo nguồn lợi, ngư trường, mùa vụ khai thác là công việc thường xuyên của cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học. Đến năm 2020, phối hợp cơ quan Trung ương thành lập và đưa vào hoạt động khu bảo tồn biển Hải Vân – Sơn Chà cấp quốc gia và khu bảo tồn vùng nước nội địa Tam Giang – Cầu Hai cấp quốc gia. Đến năm 2020, hoàn thiện việc thành lập hệ thống Khu Bảo vệ thủy sản đầm phá (vùng cấm khai thác hoàn toàn), hợp với vùng lõi bảo tồn đầm phá, đạt 10% diện tích tự nhiên đầm phá. Công bố các vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn, đồng thời công bố danh mục các loại nghề cấm, đối tượng cấm cho các thủy vực thuộc tỉnh quản lý. Đến năm 2020, cơ bản phục hồi nguồn lợi hải sản vùng ven bờ, đầm phá đặc biệt là một số loài hải sản làm nguyên liệu chế biến cho các sản phẩm thủy sản gắn với làng nghề truyền thống có thương hiệu tại Thừa Thiên Huế. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ nguồn lợi cho cộng đồng ngư dân, trong đó tập trung đối tượng là ngư dân khai thác thủy sản vùng ven bờ và đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kế hoạch cũng đề ra một số nội dung chủ yếu như: Điều tra nguồn lợi; Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi; Bảo tồn nguồn lợi thủy sản; Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái;Các dự án, đề án, hoạt động ưu tiên…
Đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH MTV Cúc Gia Bảo đầu tư dự án “Nhà máy sợi, may mặc xuất khẩu Cúc Gia Bảo” tại Khu công nghiệp Quảng Vinh
Đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tại Thông báo số 58/TB-UBND ngày 17/3/2015 tại buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Cúc Gia Bảo.
Tại Thông báo nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn tất các thủ tục đầu tư và hoàn chỉnh nội dung dự án (lưu ý phân kỳ dự án đầu tư, phân bổ nguồn vốn thực hiện, diện tích sử dụng đất cụ thể từng giai đoạn và cả dự án). Đồng thời, Nhà đầu tư thực hiện cam kết và chứng minh năng lực tài chính theo quy định.
Về quy hoạch sử dụng đất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Quảng Điền rà soát, nghiên cứu xây dựng phương án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Quảng Vinh đã được phê duyệt, phù hợp với mục đích sử dụng đất của dự án đầu tư.
Về cơ sở hạ tầng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Công ty Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế làm việc với Nhà đầu tư thống nhất nhu cầu điện, nước của dự án; đảm bảo cung cấp đầy đủ điện, nước đến chân hàng rào dự án.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo UBND huyện Quảng Điền và các sở, ban, ngành, cơ quan hữu quan thực hiện một số vấn đề khác liên quan đến xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà phá bom, mìn, vật nổ; về thuê đất; về đánh giá tác động môi trường…
Thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Gành Lăng, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc
Ngày 18/3/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 539/QĐ-UBND thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Gành Lăng, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc dựa vào cộng đồng; quy mô diện tích Khu bảo vệ rộng 22 hecta.
Mục tiêu của việc thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Gành Lăng, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc là xây dựng khu bảo vệ thuỷ sản dựa vào cộng đồng, nhằm mở rộng, phát triển mạng lưới các khu bảo vệ thủy sản trên toàn đầm phá, vùng nước nội địa Tam Giang - Cầu Hai, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản.
Theo Quyết định, nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thuỷ sinh, bao gồm: khai thác thuỷ sản (động vật và thực vật thuỷ sinh);nuôi trồng thuỷ sản (động vật và thực vật thuỷ sinh); chăn thả gia cầm, trâu, bò và các động vật khác vào khu bảo vệ; xây dựng các công trình sản xuất (kể cả công trình nhà ở).
Các hoạt động có điều kiện: hoạt động khai thác thuỷ sản để nghiên cứu khoa học và hoạt động tiêu diệt thuỷ sản địch họa trong khu bảo vệ phải được sự chấp thuận của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật; hoạt động giao thông thuỷ được phép qua lại vô hại nhưng không được dừng tàu thuyền trong khu bảo vệ; hoạt động du lịch sinh thái được phép khi có giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương.
Triển khai dịch vụ tư vấn hành chính công qua tổng đài 1080 và SMS
Nhằm đáp ứng nhu cầu của công dân, tổ chức trong quá trình tìm hiểu, giải đáp thắc mắc về Thủ tục hành chính công trên địa bàn tỉnh, việc cung cấp thông tin về Thủ tục hành chính công thông qua dịch vụ tổng đài 1080 và tin nhắn SMS là hình thức cần thiết.
Để đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực cũng như rút kinh nghiệm để triển khai đồng bộ, ngày 16/3/2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 1143/UBND-DL yêu cầu VNPT Thừa Thiên Huế phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai dịch vụ tư vấn hành chính công qua tổng đài 1080 và tin nhắn SMS. Trước mắt, triển khai dịch vụ tư vấn giải đáp, hướng dẫn cho công dân, tổ chức các vấn đề liên quan thủ tục hành chính thuộc hai lĩnh vực: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp Giấy phép xây dựng.
Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông làm việc cụ thể với VNPT Thừa Thiên Huế để xây dựng phương thức, nội dung triển khai dịch vụ 1080 và SMS, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2015.
Kế hoạch xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử năm 2015
Ngày 17/3/2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch (số 37/KH-UBND) xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử năm 2015.
Theo đó, Kế hoạch xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử năm 2015 nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá trong và ngoài nước. Hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, kích cầu tiêu dùng địa phương, đưa hàng hóa sản xuất trong nước về phục vụ thị trường nông thôn. Quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế; giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản của tỉnh thiết lập và củng cố các mối quan hệ, hợp tác và mở rộng thị trường kinh doanh. Cung cấp thông tin trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại phục vụ nhu cầu thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới.
Theo Kế hoạch, sẽ có các hoạt động chính được thực hiện đó là: Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại; Tổ chức Chương trình Tháng bán hàng khuyến mại tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX – 2015; Tổ chức 02 Điểm Vàng Khuyến Mại Hàng Việt; Tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; Tổ chức tập huấn, hội thảo xúc tiến thương mại; Tổ chức thực hiện các hoạt động vềthông tin thị trường, hàng hóa; Phát triển thương mại điện tử; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và phát triển thị trường một số sản phẩn địa phương…
Khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế tại các địa phương đã cơ bản hoàn thành. Riêng tại huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà đến nay vẫn còn cục bộ một số điểm chưa giải tỏa dứt điểm (chưa đảm bảo mặt bằng sạch 100%). Vấn đề chậm trễ trong công tác GPMB đã bị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm, phê bình tại các cuộc họp và các Văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Để đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 5/2015 như đã cam kết với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại buổi kiểm tra ngày 06/3/2015; ngày 17/3/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 1166/UBND-GT yêu cầu UBND huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà khẩn trương tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn tồn tại, bàn giao mặt bằng sạch (100%) cho Nhà đầu tư trước 30/3/2015; đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng theo dõi, giám sát và yêu cầu các Nhà thầu tổ chức thi công ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng, nhanh chóng hoàn thiện công trình, tránh chậm trễ làm phát sinh các trở ngại không cần thiết; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 31/3/2015.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH Trùng Phương khẩn trương phối hợp với UBND huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà để thống nhất kế hoạch, bố trí lực lượng thực hiện công tác bảo đảm thi công các đoạn chuẩn bị bàn giao và các đoạn đang triển khai nhưng người dân cản trở không cho thi công; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/3/2015.
|