Đây là một trong những quan điểm và mục tiêu của Bộ Tài chính khi soạn thảo dự án Luật Phí và Lệ phí, trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Phí và Lệ phí hiện hành để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào chiều nay, 6/4.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện có 73 loại phí và 42 loại lệ phí, cơ bản đều do cơ quan Nhà nước cung cấp.
Qua 13 năm thực hiện các loại phí, lệ phí này, một số khoản phí, lệ phí hiện hành đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần rà soát hoàn thiện để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức và cá nhân khác cung cấp dịch vụ, được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.
Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước phục vụ công việc quản lý nhà nước, được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
|
Đến nay, một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như: Học phí, viện phí,...); một số khoản phí có tên trong Danh mục, nhưng chưa phát sinh; một số khoản phí trùng lắp với khoản thu khác, do đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Danh mục phí, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và trong những năm tới.
Qua rà soát, Bộ Tài chính dự kiến quy định danh mục phí kèm theo dự án Luật còn 51 khoản phí dựa trên quan điểm công việc chỉ có cơ quan Nhà nước thực hiện thì mới thu phí (còn lại chuyển sang giá dịch vụ), và danh mục lệ phí gồm 39 khoản sau khi đã tính tới loại bỏ các thủ tục hành chính trùng lắp.
Tuy nhiên, cũng có loại phí đã hoạt động theo cơ chế giá (như phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT, phí chợ, phí bến bãi...), nhưng do các dịch vụ này liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước vẫn quy định giá để đảm bảo xác định thời gian thu hồi vốn hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.
Đi liền với đó, dự án Luật cũng bổ sung những điểm mới về nguyên tắc thu cho phù hợp với điều kiện hiện tại là tính tới việc bù đắp chi phí thực hiện chính sách hay các nhà đầu tư có lợi nhuận định mức khi tham gia vào cung cấp dịch vụ.
Góp ý vào dự án Luật, các thành viên UBTVQH đồng tình với chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách phí và lệ phí, tuy nhiên đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm rõ danh mục phí, lệ phí để phân biệt rõ hơn với việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ công ích.
Trong quá trình rà soát lại danh mục, UBTVQH lưu ý Bộ Tài chính loại bỏ các loại phí có mức thu thấp, nhưng chi phí bỏ ra để thực hiện lại cao, gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước (NSNN).
Về vấn đề toàn bộ nguồn thu phí phải nộp NSNN
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có ý kiến đề nghị quy định toàn bộ các nguồn thu phí thu được đều phải nộp 100% vào NSNN. Ngân sách cấp trở lại theo tỷ lệ % tính trên số phí thực nộp vào NSNN quy định cho từng các loại phí nhằm đảm bảo sự tập trung tất cả các khoản thu vào NSNN.
Cũng trong cuộc họp chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đồng tình với ý kiến trên để đảm bảo đúng quy định của pháp luật về NSNN.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết phí thu từ các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp là khoản thu không thuộc NSNN, doanh nghiệp thu được quyền quản lý và sử dụng tiền phí thu được sau khi nộp các khoản thuế theo quy định. Quy định này phù hợp với thực tế và thu hút doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công.
Nếu quy định tất các đơn vị thu phí phải nộp NSNN, NSNN cấp kinh phí hoạt động thì không phù hợp với cơ chế tài chính của các đơn vị thu hiện hành, tăng thủ tục hành chính, tăng khối lượng công việc cho cơ quan quản lý, không khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ.
Cho ý kiến bổ sung về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu ý kiến của ông Phan Trung Lý để giải trình cụ thể hơn.
Thành Chung
|