Hương Trà có tên cũ là Kim Trà (thời Lê), trước nữa gồm các huyện Bồ Đài, Bồ Lãng và Sạ Hợp (Lệnh) thời Trần. Năm 1570 Nguyễn Hoàng đổi tên là Hương Trà vì kỵ huý Nguyễn Kim, bấy giờ, gồm 9 tổng là An Ninh, Phú Xuân, Vĩnh Xương, Phù Trạch, An Hoà, Vỹ Dã, Kim Long, An Vân, Kế Thực (Mỹ).
Năm Minh Mạng 16 (1835) trích một số tổng, xã vào các huyện Phú Lộc, Phú Vang và Phong Điền; còn lại các tổng Phú Xuân, An Ninh, Phú Ốc, Long Hồ, Hương Cần, Vĩnh Trị đều thuộc địa bàn huyện Hương Trà.
Năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, huyện Hương Trà gồm các xã Hương Mai, Hương Thái, Hương Bình, Hương Thạnh, Hương Vân, Hương Văn, Hương Vĩnh, Hương Phong, Hương Hải, Hương Thọ. Năm 1956 đổi là quận Hương Trà gồm các xã Hương Hồ, Hương Long, Hương Chử, Hương Bằng, Hương Cần, Hương Phú, Hương Sơ, Hương Vinh, Hương Xuân.
Năm 1975, cơ bản hành chính huyện vẫn như cũ, Hương Trà là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm các xã Hương Vinh, Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Long, Hương Chữ, Hương Sơ, Hương Phú, Hương Xuân, Hương Phong, Hương Hải, Hương Vân, Hương Toàn. Ngoài ra, trên đất Hương Trà còn lập thêm một số xã thuộc thành phố Huế như Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình. Năm 1977, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà hợp nhất thành huyện Hương Điền thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Do yêu cầu mở rộng thành phố, năm 1981, nhập xã Hương Thọ lập xã mới Hương An; chuyển các xã Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Hồ, Hương Thọ vào thành phố Huế, đến năm 1989, thì giữ lại cho thành phố Huế 2 xã Hương Sơ và Hương Long.
Tháng 9/1990, Hội đồng Bộ trưởng quyết định chia huyện Hương Điền thành ba huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà. Hương Trà trở về đơn vị hành chính cũ gồm 15 xã và 1 thị trấn, tồn tại cho đến ngày nay.
Hương Trà là vùng đất có dấu vết văn hoá Sa Huỳnh, là địa bàn lập phủ Kim Long (1636-1687); Phú Xuân (1687-1712) và (1739-1802); kinh thành thời Tây Sơn (1786-1801); kinh đô thời Nguyễn (1802-1945); thị xã, thành phố Huế (từ 1898) nơi tập trung những đơn vị thuộc quần thể di tích Huế – Di sản văn hoá thế giới.
Tiềm năng
Hương Trà, có vị trí khá thuận lợi trong giao lưu văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh - quốc phòng của khu vực. Tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú. Thời tiết khí hậu thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp nhiệt đới, có hiệu quả, đặc biệt, là cây ăn quả và cây công nghiệp.
Đất đai, thổ nhưỡng của huyện rất đa dạng, phát triển các loại cây như cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và cây lương thực và phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của vùng.
Ngoài ra, Hương Trà còn có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch, thảm thực vật có rừng phong phú, đa dạng, có nhiều loại gỗ quý hiếm và nhiều loài động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Hương Trà có tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú: mỏ đá vôi Văn Xá sản xuất được xi măng mác cao, mỏ đá granit đen xám ở vùng núi Hương Thọ, Bình Thành, Hương Vân, mỏ cao lanh Văn Xá, mỏ khoáng Titan, cát, sỏi...có trữ lượng lớn, chất lượng tốt; đây là cơ sở để Hương Trà phát triển ngàng công nghiệp vật liệu xây dựng.
Đến Hương Trà, du khách còn có thể tham quan bờ biển sạch đẹp, nhiều hồ, khe, suối, nhiều di tích như: Lăng Gia Long, Minh Mạng, điện Hòn Chén, khu di tích địa đạo Khe Trái (Hương Vân) nhiều lễ hội dân gian truyền thống có khả năng tạo ra cơ sở cho phát triển du lịch dịch vụ.
Tóm lại, nhờ những tiềm năng và điều kiện tự nhiên như trên đã giúp cho Hương Trà, có lợi thế phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, chế biến nông lâm thuỷ sản, cùng với các loại hình dịch vụ như thương mại, dịch vụ, vận tải - kho bãi, xây dựng, xuất khẩu lao động, bưu chính viễn thông...