Theo ghi chép sử sách, truông nhà Hồ và phá Tam giang là hai địa danh từng là mối đe dọa khủng khiếp với mọi người. Ngày xưa, muốn đi vào Huế thì phải đi đường bộ hoặc đường thủy đi qua Phá Tam Giang. Truông nhà Hồ là một truông rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, là xào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm. Phá Tam Giang còn có tên là Hạt hải, nghĩa là biển cạn. Đến thời vua Minh mạng mới cho đổi thành Tam Giang, nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc.
Dân gian xưa vẫn còn lưu truyền câu chuyện Nội tán Nguyễn Khoa Đăng sau khi tiễu phỉ ở Truông nhà Hồ, ông lại tìm cách chặn dòng Tam Giang để giữ bình yên cho cuộc sống của người dân. Với sự thông minh lanh lợi của mình, một mặt ông sai người lặn xuống Phá, đào bới, mở rộng cửa Phá để trừ sóng giữ. Một mặt ông cho loan báo trong dân chúng là quan nội tán sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Nghe tin ấy ai nấy đều khiếp sợ. Mặc mọi người khuyên can, đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng hướng ra Phá ra lệnh bắn. Ba tiếng súng ầm ầm vang lên, khói bốc mù mịt, những người chứng kiến đều sợ hãi quỳ sụp xuống. Nhưng bỗng trên mặt Phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Nguyễn Khoa Đăng bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Thực ra thì quân lính của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước. Quả nhiên từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên Phá Tam giang đều bình an vô sự.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa gắn với truyền thống lịch sử lâu đời. Hơn 700 năm trước đã diễn ra một đám cưới lịch sử khi công chúa Huyền Trân nhà Trần sánh bước cùng vua Chiêm thành để mang lại nhiều đổi mới cho giang sơn Đại Việt.
Vùng đất Quảng Điền có Phá Tam giang và con sông Bồ được xem là nơi lưu lại những dấu tích đầu tiên về cuộc hành trình này. Cũng chính Quảng Điền là vùng đất lưu dấu bao huyền thoại sông nước. Một trong những huyền thoại đó là câu chuyện về sự tích Miếu bà Tơ, để ghi nhớ người đã có công khai phá vùng đất này.
Từ Huế, đi mất khoảng 15km, đi theo hướng ra cửa biển Thuận An, một vùng đầm phá rộng lớn hiện ra trước mắt, một không khí tươi mới khoáng đạt rộng mở, gió nồng nàn và nắng cũng khiến người ta phải say. Sóng nhấp nhô xô vào mạn thuyền, thỉnh thoảng một con sóng lớn đẩy thuyền nghiêng ngả. Ngồi trên thuyền ngắm trời nước nơi đây, mới thấy được vẻ đẹp khó tả hết của thiên nhiên.
Quả thực thiên nhiên đã ưu ái tặng người dân xứ Huế một bức tranh sơn thủy hữu tình không đâu có được và đặc biệt hơn, không đâu trên một nơi hình chữ S một nơi vừa ngắm bình minh, vừa ngắm hoàng hôn như Phá Tam giang. Lúc hoàng hôn buông xuống, mặt trời trên phá vàng rực ẩn sau những đụn mây hồng tỏa ra một thứ ánh sáng le lói. Cả mặt phá đỏ rực như lửa cháy rồi dần dần chuyển qua sắc vàng. Những ráng mây hồng hắt xuống mặt nước, mặt trời tỏa những áng vàng le lói cuối chân trời, nhè nhẹ chìm xuống, bàng bạc dần với ánh vàng hiu hắt là một khoảng trời nho nhỏ và một vùng mặt phá như nửa thực nửa mê như một bức tranh thủy mặc tươi nguyên của cuộc sống thực. Những chiếc thuyền trên phá cứ chậm rãi trôi, một cuộc sống về đêm của những người ngư dân lại bắt đầu.
Không như nhiều hệ đầm phá khác, nước thường rất đục, có màu xám hoặc nâu đỏ. Dòng nước trên phá Tam Giang xanh ngắt như nước biển, trong vắt và mang vị mặn nhẹ chứ không gắt như vị mặn của nước biển. Buổi chiều, trên vùng đầm phá bát ngát xanh, trời thật thấp như liền với mặt nước và cuộc sống thuờng nhật của người dân quanh năm sống với nước, với trời cũng là những chất liệu tạo ra không gian nên thơ của đầm phá Tam Giang.
Những mảnh đời trên phá gắn liền với sông nước ngày ngày đánh bắt tôm, cua, nuôi trồng thủy sản. Để có được thủy sản đem bán, tất cả thành viên sống trong gia đình sống bên vùng phá Tam giang, từ người già đến trẻ nhỏ đều trèo thuyền ra giữa phá, ngâm mình làm việc. Người thì đi mò ốc, hến, người giăng lưới, người thả lều. Người ta bảo khắp vùng biển nước Nam này, không có nơi nào cá ngon và thơm như cá ở Tam giang.
Với người dân trên phá Tam giang thì thuyền cũng là nhà, và chợ nổi trên Phá là một nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của họ. Đêm cả gia đình chài lưới, sáng vào chợ nổi bán tôm, cá, trao đổi hàng hóa, người mua hàng được gọi là ruồi với phương tiện hành nghề là chiếc cân sắt và một chiếc ghe nhỏ. Cá tôm từ những ruồi này được tập trung về các thương lái lớn hơn hoặc được chuyển đi những chợ xa, miền núi và các tỉnh lân cận.
Hình ảnh vùng đất Quảng Điền gắn liền với Phá Tam giang và con sông Bồ huyền thoại. Còn con sông Bồ, một trong ba nhánh lớn trong hệ thống sông Hương đã bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy qua các huyện A Lưới, Phong Điền và Quảng Điền trước khi đổ về sông Hương ra Phá Tam giang ở ngã ba Sình. Nơi vùng hạ lưu, sông Bồ đã bắt đầu hình thành ở vùng hạ lưu Quảng Điền nhiều kênh rạch ngang dọc là nguồn nước, nguồn phù sa bồi đắp cho nhiều cánh đồng phì nhiêu và nhiều làng quê nổi tiếng nơi đây.
Một ngày mới lại bắt đầu trên Phá, những con người đã gắn bó cả đời với sóng nước Tam giang lại bắt đầu công việc thường nhật của mình, bình thản, dung dị và cả sự can trường. Sắc màu lạ của Phá Tam giang đã tô điểm thêm cho xứ Huế một gam màu khác biệt. Miền đất và con người nơi đây, sẽ mãi gợi nhiều thú vị và bí ẩn, kể cả với những ai đã từng đến khám phá và chiêm ngưỡng nó.