Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Lễ đón nhận Bằng công nhận Nghề dệt Zèng (thổ cẩm) của Người Tà Ôi là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Ngày cập nhật 23/01/2017

Sáng ngày 16/01/2017, tại Trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Nghề dệt Zèng (thổ cẩm) của Người Tà Ôi là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tham dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Trung ương có đồng chí Phan Văn Hùng – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Trung ương, đồng chí Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch. Về phía lãnh đạo tỉnh có đồng chí Bùi Thanh Hà – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Về phía lãnh đạo huyện có đồng chí Hồ Xuân Trăng – Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Lê Thanh Nam – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn. 

Dệt Zèng là một nghề truyền thống của dân tộc Tà - Ôi có từ lâu đời và là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo từ thời xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác. Sợi dệt truyền thống được sử dụng là sợi bông khai thác từ thiên nhiên để tạo sợi và các màu sắc vàng, đen, xanh cho quá trình dệt cũng như tạo hoa văn. Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Zèng ở A Lưới là người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn, không chỉ tạo bằng chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác. Ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó huyện A Lưới vinh dự có “Nghề dệt Zèng (thổ cẩm) của Người Tà Ôi” được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện không những có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới mà còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu đối với nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố quan hệ thân thiết gắn bó giữa các dân tộc. Nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản và đồng thời cũng là cơ hội cho sản phẩm Zèng thổ cẩm được nhiều người biết đến, góp phần quảng bá, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của A Lưới.

Những tấm vải dệt zèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với khoảng 76 loại hoa văn khác nhau, mô phỏng những con suối, dốc cao, cây cỏ, chim rừng, đồ vật, con người và những ngôi sao trên bầu trời... Hoa văn thường thể hiện chủ yếu 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới chung quanh có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa tâm linh, khát khao về sự giao hòa giữa Trời - Đất và con người. Chèn cườm là một công đoạn phức tạp đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề cao mới thực hiện được. Người phụ nữ vừa dệt vừa phải xếp những hạt cườm vào những điểm cần tạo. Và việc làm xuất hiện cả hoa văn bằng sợi lẫn hoa văn bằng cườm là hết sức độc đáo.

Đối với người Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, những sản phẩm từ Zèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, được đồng bào nơi đây coi trọng, chính vì vậy đa phần những sản phẩm Zèng của bất kỳ một cá nhân nào dùng khi còn sống đều được chôn theo khi mất đi, người thân chỉ giữ lại một số rất ít những vật mà người sống thường hay dùng để tưởng nhớ đến người đã khuất, thông thường là cái khố, tấm áo, thắt lưng..., những đồ vật này được người thân gìn giữ rất cẩn thận, thường được cất dưới tủ nơi đặt bàn thờ, hoặc trong những nơi cất giữ đồ vật quan trọng của gia đình. Những sản phẩm Zèng này chỉ được mang ra khi tổ chức cúng tế cho người đã khuất. Chính vì vậy, các hoa văn trên sản phẩm Zèng của các đồng bào dân tộc ở huyện A Lưới hiếm khi gắn với thần linh, điều thiêng mà thường chỉ là những hình ảnh gần gũi với cuộc sống con người trên dãy Trường Sơn bao la hùng vỹ.

Tóm lại, giá trị nghệ thuật của Zèng A Lưới là hoa văn trang trí trên nền vải Zèng phản ánh sinh động môi trường cuộc sống, sinh hoạt văn hóa và thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu con người và yêu dân tộc mình. Nghệ thuật trang trí hoa văn thể hiện nét đảm đang, giỏi giang của người phụ nữ A Lưới. Đỉnh cao của nghệ thuật sáng tạo hoa văn dân tộc Tà - Ôi là kỹ năng chèn cườm kết hợp với hệ màu sắc trên nền vải. Đây được xem là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo, cần mẫn và nghệ thuật thẩm mỹ trong văn hóa của người phụ nữ A Lưới.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ

LHVHQ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 3.074