Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Huế sẽ đẹp hơn ở đôi bờ Sông Hương
Ngày cập nhật 22/09/2017

Sông Hương không chỉ là một biểu tượng mà còn là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Nhằm phát huy những giá trị và đặc điểm tự nhiên của dòng sông thơ mộng này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai các dự án chỉnh trang, xây dựng không gian văn hóa ven bờ sông Hương nhằm thu hút khách du lịch cũng như tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến với Huế.

Phát huy giá trị vốn có - tôn trọng ý kiến người dân
Dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương" là dự án thí điểm, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ 6 triệu USD, được triển khai từ tháng 9/2015, với nội dung thực hiện quy hoạch hai bờ sông Hương dài khoảng 15 km, bắt đầu từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh. Mục tiêu của dự án là thiết lập quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế, mang tính bền vững của một thành phố văn hóa và du lịch theo hướng phát triển từng khu vực: hạ du, khu qua trung tâm thành phố Huế và vùng thượng du nhằm cải tạo, xây dựng mới các công trình, gắn kết cảnh quan, phát triển các khu du lịch ven sông, đảm bảo các yếu tố thân thiện môi trường...
Phương án cơ bản là dựa vào đặc điểm tự nhiên của sông Hương và đô thị Huế làm nền tảng để thực hiện quy hoạch chi tiết cho từng khu vực liên quan và thành lập phương án phát triển hai bờ sông Hương như quy hoạch sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, thiên tai, môi trường. Về chi tiết, dọc sông Hương sẽ hình thành không gian du lịch liên tục và xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy. Ở khu vực thượng nguồn, tỉnh tập trung bảo tồn các khu vực phân bổ di sản văn hóa, nguồn nước; khu vực qua thành phố Huế, nhất là đoạn kinh thành Huế sẽ liên kết với mảng công viên hai bờ sông hiện có, kiến trúc kinh thành và hạn chế chiều cao các công trình ven sông; mở rộng và phát triển đô thị ở khu vực hạ lưu.
Nhằm tôn trọng ý kiến người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức đã trưng bày các bản vẽ về ý tưởng quy hoạch chi tiết để lấy ý kiến của người dân.
Ông Nguyễn Văn Anh ở thành phố Huế cho biết: khi đến xem bản quy hoạch đã rất ấn tượng với các bản vẽ, cho rằng nếu thực hiện đúng quy hoạch này thì hai bên bờ sông Hương rất đẹp, thu hút khách tham quan về đêm, tạo điểm nhấn cho du lịch Huế.

Phối cảnh quy hoạch chi tiết bờ sông Hương đoạn qua trung tâm Thành phố Huế

Công viên đôi bờ sông Hương sẽ thôi đơn điệu

Trước khi thực hiện quy hoạch, Viện Nghiên cứu đô thị Han-A (Hàn Quốc) đã có thời gian tìm hiểu khá kỹ về thực trạng, cách quản lý, sử dụng các công viên hiện nay trên địa bàn thành phố Huế. Do đó, khi đề xuất các phương án sử dụng, đầu tư các công viên, cơ bản những nhà quản lý, lãnh đạo tỉnh, thành phố Huế khá đồng tình. Trong đó, công viên Lý Tự Trọng được cải tạo lại địa hình tự nhiên và mảng xanh vốn có, đồng thời tạo dựng không gian có thể ngắm cảnh sông Hương. Khu vực hai bên có thể mở đường đi dạo. Phía Đông và Tây điều chỉnh không gian đỗ xe, tuyến đi bộ kết nối với Cồn Hến. Công viên 3/2 sẽ được chỉnh trang các quầy hàng thành các nhà có mái vòm, nâng cấp bến thuyền, làm không gian trưng bày các tượng điêu khắc. Công viên Thương Bạc nằm trước Hoàng Thành, để đảm bảo tính thống nhất và tính biểu tượng cần tiến hành trồng các loại cây gỗ cảnh quan, cây bóng mát ở đường men theo sông Hương. Cồn Dã Viên thì được chỉnh trang làm nơi phục vụ các sự kiện đông người…
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết: “Các công viên dọc hai bờ Sông Hương hiện nay chưa được khai thác sử dụng hiệu quả. Ban đêm, du khách đi dạo chưa nhiều. Điện chiếu sáng chưa đủ sáng, dịch vụ chưa đến nơi đến chốn. Việc quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương là cần thiết để đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý cảnh quan, trong đó có các công viên. Theo quy hoạch này thì từng công viên được quy hoạch nhiệm vụ cụ thể, để định hướng đầu tư phù hợp sau này”.

Góc nhìn Sông Hương từ cầu Dã Viên

Xây dựng không gian văn hóa bên bờ Sông Hương
Nằm ngay bên bờ Nam sông Hương, con đường Lê Lợi là một trong những con đường có lịch sử hình thành từ rất sớm ở Huế vào khoảng đầu thế kỷ XIX, đây là tuyến đường nằm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc đô thị Huế, là trọng điểm của các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tuyến phố Lê Lợi đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân hiện tại đang là nơi hội tụ nhiều địa điểm văn hóa như: Trung tâm dịch vụ Festival Huế, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Nghệ Thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống Huế, Bảo tàng Nghệ Thuật thêu XQ, Bảo tàng văn hóa Huế, Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị,... Nhằm tạo ra điểm nhấn bên bờ sông Hương và thu hút du khách đến với Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế đã quyết định xây dựng đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế” bên bờ Sông Hương. Đây được xem là việc làm thiết thực và cần thiết để tạo ra điểm nhấn cho thành phố Festival.
Cụ thể, những điểm trưng bày hiện tại sẽ được chỉnh trang sắp xếp lại. Một số khu vực hiện đang kinh doanh nhiều dịch vụ khác nhau như nhà hàng, ẩm thực, giải khát, đại lý vé máy bay,... sẽ được chỉnh trang, xây dựng lại thành không gian trưng bày phù hợp,...
Điểm nổi bật của đề án này là không chỉ tạo ra một không gian văn hóa mở xuyên suốt đoạn đường từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân để người dân tham quan các điểm trưng bày, triển lãm mà còn tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận sông Hương và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Để làm được điều này, toàn bộ hệ thống tường rào của các tòa nhà, các cơ sở kinh doanh, các kios bán hàng sẽ được tháo bỏ. Hệ thống đèn chiếu sáng sẽ được xây dựng lại để đảm bảo kết nối hệ ánh sáng của cầu Trường Tiền và hai không gian Công viên 3/2 và Công viên Lý Tự Trọng. Toàn bộ cây xanh cũng được cắt tỉa lại cho đảm bảo phù hợp, làm tăng sự thông thoáng cho không gian.
Không chỉ chú trọng chỉnh trang không gian văn hóa bên ngoài, theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnhThừa Thiên  Huế cho biết, các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật dọc tuyến phố này cũng được chú trọng hơn về nội dung trưng bày. Đặc biệt, Bảo tàng Văn hóa Huế cũng được UBND tỉnh đầu tư để mua tranh các họa sĩ nổi tiếng xuất thân từ Huế về trưng bày và để làm tư liệu cho việc thành lập bảo tàng Mỹ thuật Huế sau này. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết thêm: việc hình thành không gian văn hóa bên bờ sông Hương hứa hẹn sẽ khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của Huế để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, lịch sử hấp dẫn và phong phú. Tạo động lực phát triển bền vững ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch khu vực trung tâm, kết hợp khu phố Tây tạo tiền đề mở rộng cho toàn tuyến đường Lê Lợi.
Với việc chỉnh trang, làm đẹp, xây dựng những không gian có giá trị nghệ thuật cao hai bên bờ Sông Hương sẽ tạo thành hình ảnh mới, tạo địa chỉ mới thu hút khách du lịch đến với Huế, thúc đẩy Huế trở thành đô thị du lịch, một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam.

Vẽ đẹp yên bình của Sông Hương khi hoàng hôn buông xuống

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 465