Từ tỉnh lộ 16 vào vùng hố Quýt, thuộc tiểu khu 94, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, chúng tôi theo chân thương binh Trần Lưu Thương theo con đường mòn quanh co, lởm chởm đất đá, có đoạn lầy lội bùn đất để đến thăm mô hình trang trại trồng rừng của ông. Từ trên ngọn đồi cao, nhìn bao quát xuống cả vùng rừng trồng keo xanh mướt, những hồ cá trải dài, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi thành quả sau những ngày tháng miệt mài của người thương binh “tàn nhưng không phế”.
Năm 1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên Trần Lưu Thương lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ biệt động thành thuộc Đại đội 820 (Đà Lạt). Do thương tích (37%) trong quá trình công tác, ông về quê nghỉ chế độ từ năm 1980. Hành trang ngày xuất ngũ của người thương binh 4/4 Trần Lưu Thương là những vết thương luôn tái phát lúc trái gió trở trời, đôi mắt yếu và đôi chân thương tật vĩnh viễn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, những năm đầu ông xoay đủ việc để giúp gia đình, thế nhưng với sức khỏe hạn chế nên không mang lại hiệu quả. Đến năm 1993, ông mạnh dạn xin nhận 106 ha rừng ở Hương Xuân để quyết tâm khai hoang lập nghiệp. Ông Thương chia sẽ: “Lúc đó, vùng hố Quýt còn hoang vu, đêm về hổ còn từ rừng sâu ra bắt trâu nên cả họ, cả làng nghe tin đều can ngăn đừng “đâm đầu vô bụi rậm”. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh người lính lại càng thôi thúc tôi làm bằng được”.
Ngày lại ngày, ông nhẫn nại vác rựa, vác cuốc băng rừng khai phá vùng đất đầy lau lách, bụi rậm, đào hồ, ngăn đập để gây dựng rừng cây, ao cá. Nhưng do sức người có hạn, sau 3 năm, ông xin trả lại phần lớn diện tích cho lâm trường Sông Bồ và chỉ giữ lại 36,6 ha tập trung trồng keo lai và dành 1 ha nuôi cá trắm cỏ, cá mè, nuôi lợn, gà để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau khi tham gia khóa học kỹ sư lâm sinh, nhận thấy nhu cầu về các loại cây giống, ông còn ươm cây con bán để tăng thu nhập. Nhớ lại những lúc khó khăn, ông Thương chia sẻ: “Với ý chí kiên cường, không chấp nhận thất bại của người lính, tôi luôn tự nhủ phải làm sao vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương. Vì vậy, tôi đã kiên trì phát triển rừng trồng, nuôi cá, học hỏi kỹ thuật nuôi ong. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm nên các năm tiếp theo mô hình trồng rừng kết hợp của tôi từng bước đem lại thu nhập”.
Sau 25 năm, vùng đồi núi hoang vu ở phía Tây Hương Trà giờ đã được phủ xanh bởi bạt ngàn keo lai. Hiện nay, năm nào trang trại tổng hợp của gia đình ông cũng cho khai thác từ 5-10 ha rừng, thu hoạch gần 1,5 tấn cá, 2 tấn mật ong. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm ông Thương thu lãi trên 400 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thương còn đi đầu tại địa phương trong các phong trào góp công, góp của xây dựng nhà đồng đội, nhà tình nghĩa như: ủng hộ đòn tay, công thợ mộc với kinh phí trên 20 triệu đồng để xây dựng 2 ngôi nhà đồng đội ở Thanh Lương, Liễu Thượng; xây dựng quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, góp đá xây Trường Sa… Ông Nguyễn Văn Định, Trưởng phòng Lao động- Thương Binh và Xã hội thị xã Hương Trà cho biết: “với đức tính kiên trì, chịu khó, tiếp thu cái mới để áp dụng trong sản xuất, mô hình trang trại tổng hợp của thương binh Trần Lưu Thương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, có điều kiện nuôi con cái ăn học, làm giàu cho gia đình và đóng góp cho xã hội”.
Giờ đây, ở tuổi 71, thương binh Trần Lưu Thương vẫn ngày ngày vượt gần 10km đường đồi núi tích cực lao động sản xuất vì với ông “còn sức thì mình còn cống hiến để góp phần phát triển quê hương”.