Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Hơn 2.200 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội * Nhân dân cả nước rất bất bình trước hành vi sai trái của Trung Quốc
Ngày cập nhật 20/05/2014
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh : Nguyễn Dân - TTXVN

 (ĐCSVN) - Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nay đã tổng hợp được 2.216 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, có 1.006 ý kiến của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 1.210 ý kiến của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao về kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là đã thông qua Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam và Luật Đất đai (sửa đổi). Hiến pháp có nhiều nội dung mới, kỳ vọng sẽ tạo ra động lực cho việc phát triển đất nước. Nhân dân tin tưởng vào việc thực hiện các quyền đã được ghi trong Hiến pháp, nhất là về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

 

Đông đảo cử tri và nhân dân hoan nghênh và quan tâm, theo dõi việc Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; giám sát việc thực hiện chính sách về bảo hiểm cho công nhân ở các doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp; giám sát việc bảo đảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân; giám sát việc thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ...

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực, sản phẩm còn thấp, nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới như: hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế còn chậm; kiểm soát nợ công; tình hình tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp; công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả còn thấp, chưa đạt được yêu cầu.

Nhân dân, kiều bào cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc 

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhân dân cả nước rất bất bình về việc Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, huy động một lượng lớn tàu, thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar ngày 11/5/2014 và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ngày 14/5/2014.

Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời làm cho Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, phản đối việc công khai vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giữ ổn định ở khu vực, đảm bảo tự do hàng hải quốc tế, giữ gìn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân cũng kiên quyết phản đối, lên án một số kẻ xấu đã tổ chức các hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ủng hộ chủ trương của Chính phủ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến các nhà đầu tư và uy tín của đất nước.

Đề nghị kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao

Thông tin về những kiến nghị chủ yếu của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm và các giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Việc phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng “tham nhũng vặt”, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ…

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi hoàn thiện các quy định về giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Về quản lý thị trường và giá cả, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương có giải pháp hữu hiệu hơn để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; có các biện pháp, chế tài mạnh đối với các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Về sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hiện nay, thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tìm kiếm thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi; nghiên cứu lập Quỹ bình ổn giá nông sản, Quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân. Cử tri và nhân dân nhiều địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành hữu quan tiếp tục quan tâm đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu sửa đổi và ban hành các cơ chế nhằm huy động sự tham gia của xã hội và các doanh nghiệp góp sức cùng chính quyền các cấp thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về giao thông vận tải, cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các công trình giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất; đồng thời tăng cường quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông; kịp thời xử lý các dự án giao thông thực hiện chậm tiến độ; có cơ chế quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các phương tiện quá trọng tải gây xuống cấp công trình giao thông; quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng giao thông ở các vùng nông thôn, đồng thời sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đang còn dở dang, nhằm tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, cử tri đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tổ chức kiểm tra và tăng cường hơn nữa công tác y tế dự phòng để phòng ngừa bệnh tật và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc tiêm vắc xin gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, sớm có giải pháp giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục nâng cao y đức và chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ…

Về giáo dục và đào tạo, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa, theo đó, việc đổi mới cần tiếp tục được chuẩn bị kỹ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng để có sự thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chất lượng; không lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội; xem xét, điều chỉnh việc ưu tiên trong thi cử. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, hạn chế tình trạng “chạy trường, chạy lớp”; có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đối với bậc đại học..

Về bảo vệ tài nguyên, môi trường, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, kiên quyết xử lý và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm theo các qui định của pháp luật; quan tâm chỉ đạo giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư; xử lý nghiêm các dự án treo và các tổ chức, cá nhân sử dụng lãng phí đất đai; đồng thời khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống…/.

Thu Hằng

Nguồn Báo điện tử ĐCSVN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 888