Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Nữ anh hùng Việt Nam muốn gửi ông Tập Cận Bình bài thơ đặc biệt
Ngày cập nhật 03/07/2014
Nữ anh hùng Việt Nam muốn gửi ông Tập Cận Bình bài thơ đặc biệt

(Chủ Quyền Biển Đông) - Anh hùng Vũ Thị Tỵ mong muốn sẽ gửi đến ông Tập Cận Bình bài thơ được coi là bản tuyên ngôn đầu tiên của nước Việt.

Trong câu chuyện với chúng tôi tại căn nhà nhỏ ở thôn Triều Dương (xã Hải Triều, Tiên Lữ, Hưng Yên), nữ anh hùng lao động Vũ Thị Tỵ dù mắt mờ, bị nặng một bên tai nhưng khi chia sẻ lại những kỷ niệm với Bác Hồ và về một thời đoàn kết, vượt qua gian khổ, khó khăn để “làm giàu cho muôn đời sau” thì bà dường như minh mẫn đến lạ kỳ.

“Suốt quá trình lao động, phấn đấu của mình, tôi đã có vinh dự được gặp Bác Hồ một số lần và được trò chuyện rồi nghe lời Bác động viên, chỉ dẫn để tôi phấn đấu trong lao động xây dựng quê hương, đất nước sau này”, anh hùng Vũ Thị Tỵ chia sẻ.

Theo lời kể của bà Tỵ, lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ là khi mới vừa tròn 14 tuổi. Lúc đó, bà vẫn còn là cô bé thiếu niên tham gia hội diễn văn nghệ đón Bác về thăm và làm việc tại thị xã Hưng Yên. Ngày ấy, đồng áng quê hương bà bị hạn hán, người dân đói khổ.

“Đứng từ xa nghe Bác nói chuyện, nhìn Bác ân cần động viên nhân dân và nhất là khi Bác biểu dương chị Phạm Thị Vách ở Kim Động là anh hùng lao động xuất sắc, tôi đã rất cảm động và hào hứng. Ngay từ giây phút ấy, tôi đã hứa là phải cố gắng lao động, sản xuất để xây dựng quê hương, đất nước”, anh hùng Vũ Thị Tỵ kể.

Anh hùng lao động Vũ Thị Tỵ.

Anh hùng lao động Vũ Thị Tỵ.

Năm 1961, bà tham gia công tác thủy lợi nội đồng, đứng trong “Đội tên lửa” 25 người lao động giỏi nhất địa phương lúc ấy.

“Quê hương tôi ngày ấy đi vào ca dao tục ngữ vì: “Chiêm khê, mùa thối”, “Trăm cái tội không bằng lội Triều Dương”, “Sống ngâm da, chết ngâm xương”. Người dân đói khổ vì quanh năm mất mùa, hết hạn hán lại lũ lụt, trồng cây gì cũng thất bát. Nhưng được nghe lời Bác dạy, nhân dân đã cùng đồng lòng “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “Đào đắp kênh mương dẫn nước tưới tiêu, đắp đê phòng lụt”…”, anh hùng Tỵ nhớ lại.

Vào thời gian đó, thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì một ngày cũng chỉ xong một định mức bằng 1,5 đến 1,7m đất nhưng người con gái Vũ Thị Tỵ đã khiến mọi người ngạc nhiên khi một mình làm tới 4 định mức/ngày.

Cũng theo lời anh hùng Tỵ thì vào những đợt cao điểm, ban đêm, bà còn giăng những chiếc đèn chai lên, vận động anh em “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”.

“Chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi, trên vai vác những khối đất nặng 60 – 70 cân mà vẫn đi băng băng. Ai cũng tự nhủ, làm việc hết mình để xây dựng quê hương, đất nước, không bao giờ nghĩ đến tư lợi cho bản thân”, anh hùng Tỵ nói.

Làm vất vả như vậy nhưng thời gian đó, cái đói vẫn còn đeo đẳng. Người ra đồng đói chẳng có sức mà cầm mai, cầm cuốc. Thấy sức lao động giảm sút, anh hùng Tỵ đã về nhà xin bố mẹ cho vay thóc để nuôi anh em. Thương con gái, thương anh em lao động vất vả, bố mẹ bà đã đồng ý cho vay 2 tạ thóc tích trữ ở trong nhà lúc đó.

Từ trong lao động, bà đã sáng kiến ra chiếc mai xúc đất hai lưỡi, chế tạo ra xe goòng… để chở đất được nhiều hơn, nâng cao năng suất lao động, áp dụng gieo trồng lúa theo phương pháp mới “3 sôi 2 lạnh”, rồi làm bèo hoa dâu cho lúa… giúp đồng đất quê hương mỡ màu, ngăn lũ chống lụt hiệu quả hơn…

Cuối năm 1964 bà Tỵ lại vinh dự được gặp Bác Hồ tại xã Phạm Hồng Thái (Hải Dương), được nghe Bác nói chuyện về công tác thủy lợi, được Bác khen ngợi, động viên.

Tháng 1 năm 1967, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, bà Vũ Thị Tỵ lại được Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng lao động cùng bằng khen.

“Tôi được vinh dự là 1 trong số 30 người được vào phủ Chủ tịch gặp Bác, được nghe Bác kể những câu chuyện xúc động và bổ ích về những gương anh hùng lao động giỏi, chiến đấu dũng cảm, những lời ngợi khen và cả những lời phê bình nghiêm khắc. Từ lời Bác dạy, đã giúp cho tôi thấy được vai trò và trách nhiệm của mình khi quê hương còn nhiều vất vả”, anh hùng Vũ Thị Tỵ chia sẻ thêm.

Anh hùng Vũ Thị Tỵ cũng bày tỏ, những kỷ niệm mà bà nhắc lại ở đây, chỉ mong muốn để thế hệ trẻ thêm hiểu và nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, yêu nước, dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ những thành quả mà cha ông đã dày công, đổ xương máu để dựng xây.

Vợ chồng anh hùng Vũ Thị Tỵ.

Vợ chồng anh hùng Vũ Thị Tỵ.

“Nhất là trong tình hình hiện nay, khi Trung Quốc đã, đang có những hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông của chúng ta và gần đây nhất là hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam thì nhân dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng càng cần phải đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cá nhân tôi luôn tin rằng, với chân lý, lẽ phải, bằng chứng lịch sử của chúng ta ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà thế giới đã công nhận, cộng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Nhà nước thì chắc chắn dù gian khổ, khó khăn đến đâu thì cuối cùng dân tộc, đất nước Việt Nam sẽ giành chiến thắng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ…”, anh hùng Tỵ nhấn mạnh.

Anh hùng Vũ Thị Tỵ cũng cho hay, nếu có cơ hội được gặp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hay các nhà lãnh đạo khác thì bà mong muốn được gửi tặng họ một bài thơ đặc biệt.

“Thực tế, với tôi hiện nay thì việc được sang gặp ông Tập Cận Bình hay những nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc là điều không thể. Nhưng qua đây, tôi chỉ muốn nhắn với họ rằng, dân tộc Việt Nam chúng ta luôn yêu chuộng hòa bình, lẽ phải, tuy nhiên những hành động mà Trung Quốc đã làm trong thời gian qua thì đã hoàn toàn đi ngược lại đạo lý, công pháp quốc tế.

Chúng tôi luôn tôn trọng nhân dân, đất nước Trung Quốc nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ, không bao giờ khuất phục trước sự ngang ngược, cường bạo của Trung Quốc. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rõ điều đó và tôi mong Trung Quốc đừng để lịch sử phải lặp lại một lần nữa.

Tôi mong muốn nếu có thể được thì gửi đến ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc bài thơ “Nam quốc sơn hà” – bản tuyên ngôn đầu tiên của nước Việt. Tôi hy vọng các ông hãy nhìn vào đó và chấm dứt ngay những hành động ngang ngược, sai trái, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, đất nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi…”, anh hùng Vũ Thị Tỵ khẳng định.

Bài thơ Nam quốc sơn hà

Bản phiên âm:

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch thơ:

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

nguồn TTg chinhphu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 272