Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

“Đêm chong đèn ngồi nhớ lại...”
Ngày cập nhật 30/08/2014

Dịp tháng 7 năm ngoái, tôi về Quảng Phú, Quảng Điền thăm lại gia đình một cơ sở cách mạng từng nuôi giấu cán bộ trong suốt thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Buổi gặp gỡ thật tình cờ, nhưng rất ấn tượng. Nghe kể chuyện xưa, đứa cháu ngoại của mẹ Quên là sinh viên năm thứ hai, Đại học Ngoại ngữ thành phố Hồ Chí Minh đã thốt lên: bài hát “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc là viết lên từ hình ảnh mệ ngoại rồi”.

Chiến tranh đã đi qua những 40 năm, nhưng những con người năm xưa vẫn còn hiện hữu. Những câu chuyện cũ đan xen với hiện tại vẫn cứ tươi rói, trường tồn theo những khúc ca dài theo năm tháng. Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và muôn vàn những người chị, người em chưa kịp phong anh hùng đã để lại trong lòng hậu thế một tấm gương trong sáng, khí phách phụ nữ Việt Nam “anh dũng, kiên cường, trung hậu, đảm đang”.

Nghe tin bà Nguyễn Thị Xuân qua đời, tôi không kịp về phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy để thắp cho bà nén hương. một nữ du kích can trường trong kháng chiến chống Mỹ ở Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Hương Thủy là quê chồng. Những năm 1968 - 1970 kẻ địch từng treo thưởng cho ai bắt được “Nữ việt cộng nằm vùng” này. Vừa đánh địch, vừa làm công tác địch vận, vận động con em cầm súng phía bên kia trở về với cách mạng, vừa vận động bà con tích cóp quân lương cho bộ đội chủ lực “ăn no, đánh thắng”. Trong trận đánh phá vây sinh tử tại Quảng Thọ (Quảng Điền) Xuân 68, Nguyễn Thị Xuân trúng đạn bị thương nặng vẫn kiên cường nằm trên cáng dẫn đường cho bộ đội rút lui an toàn. Ra Bắc, cô vinh dự được gặp Bác Hồ…Hồ sơ thành tích để làm thủ tục công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND đã qua bao cấp giờ vẫn còn trong tủ kính. Dẫu cho đến giờ phút cuối của cuộc đời bà Xuân chưa được cầm tấm Huân chương anh hùng, nhưng cuộc đời bà là một tấm gương trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những năm tháng hòa bình, bà là cán bộ Hội phụ nữ gương mẫu, hết mực với công tác hội, tận tâm với đồng chí, đồng đội, với chồng, với con. Nhắc đến bà hôm nay, với tôi như thắp một nén tâm hương. Hình ảnh “Nữ du kích Hương Thạnh” (tên một bài báo viết về bà - TG) vẫn cứ hiển hiện trong tôi với lòng đầy cảm mộ.

Nhắc lại chuyện mẹ Quên ở Quảng Phú - Quảng Điền nuôi giấu thương binh. Câu chuyện cảm động làm sao. Để giặt áo cho thương binh, bà không ngần ngại mang vào người bộ quần áo dính đầy máu rồi giả vờ đi lội hói (mương nước) hái rau dầm mình xuống nước giặt ngầm quần áo đang mặc trên người để che mắt địch. Tình tiết ấy, ngay đến bây giờ mẹ Quên đâu có kể. Tôi được nghe nhờ cô con gái đầu của mẹ (nay cũng đã thành bà) kể lại. Mẹ Quên chỉ cười mà rằng: “Bộ đội cách mạng là con cháu mình cả mà”.

“Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh…”, những chuyện kể về các mẹ, các chị đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch là cả một thiên ca anh hùng. Chỉ cần một sai sót nhỏ tiết lộ, kẻ địch phát hiện được là cả gia đình phải chịu cảnh chết chóc, tù đày. Chuyện Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Chắt đào hầm để đón cán bộ Thành ủy Huế về nội thành hoạt động chuẩn bị cho Xuân 68 là câu chuyện đầy cảm động. Bà Hoa - một trong những cán bộ Thành ủy được che giấu trong căn hầm đặc biệt này của mẹ Chắt đã kể lại: Chiếc hầm bí mật mẹ Chắt cùng chồng là cụ Nguyễn Hữu Thu đào ngay dưới chuồng heo và nhà bếp của mình. Hầm đào xong, nhưng còn thiếu cái nắp hầm. Chiếc nắp hầm thiết kế làm bằng sắt, được bí mật để dưới sông Như Ý chảy qua cánh đồng Thủy Thanh. Để tiếp cận và đưa được cái nắp hầm bí mật này, mẹ Chắt giả người đi mua rơm về bỏ chuồng heo, lặn lội suốt ba ngày mới tìm ra nơi giấu nắp hầm bí mật. Lợi dụng lúc tan chợ đông người, mẹ giấu nắp hầm trong gánh rơm qua mặt được mấy bót gác của địch an toàn. Căn hầm đã từng đón các bác, các chú, các anh, các chị như ông Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy Huế; anh Tâm, anh Lợi, anh Văn, anh Yên, anh Khiếu, v.v… Năm 1972, sau lần bị chỉ điểm, kẻ địch bắt mẹ Chắt tra khảo dã man. Bọn địch khui ra hầm bí mật, nhưng không bắt được ai. Mẹ Chắt chỉ một mực khai “Hầm đó là để che giấu các con tôi, bây giờ nó hy sinh cả rồi, chứ không có nuôi giấu ai cả… đạn, lựu đạn còn sót lại ở trong hầm cũng là của con tui hết”. Chúng cầm tù mẹ, nhưng không khai thác được gì, tức giận bọn chúng đã dã man tiêm thuốc độc vào cơ thể mẹ làm mẹ bị bại liệt toàn thân với lời cay độc “để cho mày coi có còn sức nữa không để mà che giấu Việt cộng”. Mẹ Chắt đã hy sinh sau đó. Tấm gương của mẹ và ba anh trai đã hy sinh là tấm gương cho anh Nguyễn Hữu Đông con trai út của mẹ, sau này đã trở thành Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Trong một lần gặp gỡ đầu xuân giữa hai người bạn nối khố, bác sĩ Phạm Miên và nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, bác sĩ Miên nói với tôi rằng, chuyện mẹ tôi (mẹ Phạm Thị Thiệu, một đảng viên hoạt động hợp pháp trong lòng địch, có chồng là liệt sĩ - TG) hoạt động, nuôi giấu cán bộ, thương binh là chuyện đương nhiên. Tôi cảm phục gia đình anh đây. Bởi cả nhà anh lúc đó không có ai là người của cách mạng cả. Nhưng cả nhà anh trong hoàn cảnh đó vẫn một lòng một dạ hướng theo cách mạng. Trong vườn nhà anh là một căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, thương binh. Tôi biết ơn gia đình anh, bởi chỉ cần một chút dao động của ai đó trong nhà là cả nhà tôi và bao căn hầm khác sẽ bị kẻ địch khui ra, chắc chắn là gây thiệt hại không nhỏ cho cách mạng. Chính việc đào hầm nuôi giấu cán bộ của mẹ anh đã sớm giác ngộ cách mạng cho anh khi còn tuổi thiếu thời.

Những câu chuyện vừa kể đã đi qua gần nửa thế kỷ như đã bước vào kho tàng cổ tích của thế kỷ hai mươi. Có một điều chắc chắn rằng, truyền thống yêu nước, khí phách “Bà Trưng, Bà Triệu” của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thừa Thiên Huế nói riêng luôn luôn sáng ngời theo dòng lịch sử.

 

theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 54