Theo Bộ NN&PTNT, virút cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm nhưng chưa gây bệnh lâm sàng cho gia cầm; virút này được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 3/2013 tại Thượng Hải, đến 02/2014 đã ghi nhận 339 ca bệnh, trong đó 66 ca tử vong. Ở Đông Nam Á, Ma-lai-xi-a đã xác nhận ca bệnh cúm A/H7N9 trên người đầu tiên. Hiện nay, vi rút đã được phát hiện trên cả gia cầm và người tại tỉnh Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam, nhưng chưa phát hiện thấy trên gia cầm và trên người tại Việt Nam. Nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Để chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Tại hội nghị, trên tinh thần công điện số 200 ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã triển khai Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các loại vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người.
Theo đó, Kế hoạch đưa ra 4 tình huống kèm theo đó là các giải pháp tổ chức thực hiện và giải pháp kỹ thuật xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các tình huống đó là: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người (tình huống 1); Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh (tình huống 2); Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh (tình huống 3); Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh (tình huống 4).
Bộ NN&PTNT lưu ý các địa phương là hiện nay, vi rút chưa gây bệnh lâm sàng trên động vật nên phương pháp duy nhất là lấy mẫu để xét nghiệm mới xác định được gia cầm mang trùng. Các địa phương đã xảy ra dịch cúm H5N1 cần kiểm soát chặt chẽ tại các chợ đầu mối buôn bán gia cầm sống, điểm thu gom, tập kết gia cầm là nơi lưu trữ và phát tán vi rút nhanh nhất. Riêng các tỉnh có đường biên giới, biện pháp ưu tiên số một hiện nay là nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến, nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập vào trong nước; tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chính quyền và các Ban, ngành của địa phương về nguy cơ, tác hại đối với dịch cúm A/H7N9, nhằm thay đổi nhận thức của cư dân khu vực biên giới, không tiếp tay hoặc tham gia vào các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.
Theo, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, công tác phòng chống dịch hiện nay là ngoài các giải pháp kỹ thuật, các địa phương cần quan tâm giải pháp tuyên truyền và truyền thông quốc tế. Bởi chỉ khi công khai kịp thời tình hình dịch cúm cho người dân thì người dân mới chủ động trong phòng chống, giảm thiểu nguy cơ và an toàn dịch bệnh cho cộng đồng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch cũng như huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và vật tư phục vụ phòng chống dịch từ các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ,...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương, trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch, cần hết sức chủ động, quyết liệt theo 6 nhiệm vụ trong công điện số 200 của Thủ tướng Chính phủ và những giải pháp mà Bộ NN&PTNT đã đưa ra trong Kế hoạch. Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương, các bộ, ngành phải khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời ngăn chặn bùng phát dịch cúm H5N1 trong nước và nguy cơ dịch cúm H7N9 từ ngoài nước vào Việt Nam, trong đó lưu ý các giải pháp về tiêu độc, khử trùng và tăng cường các chốt chặn ở đường biên.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy chưa xuất hiện dịch, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể xảy ra theo đường biên giới và buôn bán vận chuyển gia cầm liên tỉnh. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng đe dọa đến đàn gia cầm đang nuôi và tính mạng con người, ngay sau buổi họp trực tuyến, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm tỉnh đã quán triệt một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống dịch đối với các sở, ngành và địa phương. Trong đó, tập trung tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không chỉ với dịch cúm gia cầm mà cần đối phó tất cả các bệnh khác trên vật nuôi. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi và người dân về nguy cơ và tác hại của bệnh cúm gia cầm; các quy định trong công tác phòng, chống dịch; nhất là kiểm soát chặt chẽ người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên; nâng cao hiểu biết của người dân khi mua gia cầm giống phải biết rõ nguồn gốc và các biểu hiện của bệnh, đường lây nhiễm, cách phòng tránh dịch, các biện pháp phòng, chống bệnh, các khuyến cáo của ngành Y tế...(ảnh dưới)