Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

39 năm một câu chuyện anh hùng
Ngày cập nhật 01/05/2014

 (TTH) - Đó là ngày 13/3/1975. Trưa ấy, như thường lệ, cơm xong là tôi lại đi bộ đến trường sớm. Ngang chợ Dạ Lê (xã Thủy Phương - thời chống Mỹ cách mạng đặt tên là Mỹ Thủy), người bạn cùng lớp tên Thuận đi mua cháo bánh canh cho bà nội rủ tôi vào nhà rồi cùng đi với nhau cho vui. Ba Thuận thoát ly theo cách mạng nên Thuận ở với ông bà. Đó là một buổi trưa khác lạ. Trên con đường nhỏ vào nhà Thuận, đặc biệt là dọc theo đường tàu hỏa, cảnh sát dã chiến và lính nghĩa quân dày đặc, súng đạn mang vác đầy người. Nắng tháng ba thật đẹp. Nhìn sang độn Chùa - nơi bọn tôi chiều chiều hay leo lên ngắm cảnh, hái sim và vui đùa, cây cối xanh um; nhưng lạ thay, giữa trưa mà sao lại thấp thoáng bóng nhiều người. Cả hai chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, lòng cảm thấy khó hiểu. Bà, o Sương, chú Danh của Thuận đều có nhà. Một lát thì thấy ông Cháu cảnh sát xuất hiện cùng với mấy người lính nữa. O Sương rót nước mời, ông ta không uống, cười khẩy có vẻ đắc thắng và bảo: “Chút nữa uống mừng luôn thể!”. Tuy còn bé, đang học lớp bốn tiểu học, nhưng tôi đã mường tượng thấy có một điều gì đó bất thường, chẳng lành sắp sửa xảy ra ở nhà của Thuận và xóm này – xóm có nhà ông ngoại tôi và rất nhiều bà con thân thuộc. Ông Cháu lạnh lùng lặng bước ra khỏi nhà. Chừng 15 phút sau, bỗng có tiếng đạn nổ chát...

 Cả xóm nhà tôi ở gần đường gần chợ, mọi khi khá rộn rịp giờ chợt như chùng lại, im ắng. Mẹ tôi dọn hàng tạp hóa sớm hơn mọi ngày, tất tả về nhà, mặt tái xanh, mếu máo nói nhỏ như thì thầm với cha và anh em tôi: “Ôn ngoại bị bắt, dì Đã chạy lên Xanh, nhà ôn mệ cháy hết rồi !”.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Chư
Xế chiều, xác một anh bộ đội bị bọn lính kéo ra đặt cạnh ngôi miếu ven đường quốc lộ, từ nhà tôi nhìn sang bên kia đường chừng khoảng 200m, nhưng không ai dám tới gần. Bác dâu ruột ở cạnh nhà tôi vừa lấy vạt áo lau nước mắt vừa đau đáu nhìn sang phía bên kia đường thì thầm với con gái: “Thằng Chư chết rồi!”. Anh Chư gọi bác dâu tôi là o ruột, cha đi tập kết ở miền Bắc. Lạ lùng thay, đêm ấy trời đổ mưa, kéo sang suốt ngày hôm sau. Cả xóm chìm trong một không khí thật nặng nề, u uất, não nùng. Chạng vạng tối, sau hơn một ngày phơi giữa mưa nắng, bác Lộ khuôn trưởng Phật giáo mới được phép thay mặt xóm làng vội vàng đưa anh Chư vào vạt đất trống gọi là Cồn Lòi để mai táng, thi thể chỉ mang chiếc quần đùi màu xanh được quàng vội bởi tấm ni lông. Tiếp đó là mấy ngày bọn lính súng ống đầy mình đi xăm hầm, đe dọa, khủng bố, trong đó có cả nhà tôi và bác tôi.
Ngôi nhà o Gái bây giờ
Thế rồi, những sự kiện lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến và phần nào nhận thức được đã diễn ra: từng đoàn xe lính ngụy chở đầy quân và đạn dược tất tả ngày đêm chạy vào phía Nam; đủ các loại xe cộ chở không biết bao nhiêu người dân Quảng Trị, Thừa Thiên cũng rần rật chạy vào phía Nam nghe đâu là để tránh bom đạn sắp đổ xuống đầu; những gia đình ở lại như nhà tôi cùng nhiều gia đình khác trong xóm và trong xã Thủy Phương thì lo gia cố hầm trú ẩn, đặc biệt là lo đi xay lúa để trữ lương thực, gom góp củi lửa để phòng khi “tắt đèn” kéo dài; rồi mắm, muối, áo quần…
Nhưng bất chợt, ngày giải phóng 26 tháng 3 đã tới, trong một không khí rộn vui không tả được. Cha mẹ tôi và nhiều người nói: Không cần hầm, không cần gạo dự trữ, không cần lo dành củi lửa nữa. Độc lập rồi!
Mọi chuyện về ngày 13 tháng 3 bây giờ mới được rõ.
Nhà o Gái, em ruột bác dâu tôi, là một cơ sở cách mạng đã nhiều năm. Trước ngày 13 tháng 3 mấy hôm, bác Vũ Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên cùng với một số đồng chí lãnh đạo về ở để chỉ đạo mặt trận Huế, triển khai đợt 2 của Chiến dịch Mùa xuân 1975 từ 21/3 đến 26/3 theo Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy ngày 28/2/1975. Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế (tập 2, trang 251) viết: “Từ 8/3 đến 14/3/1975 quân ta ở Hương Thủy đã đánh được 15 trận, trong đó có những trận đánh lớn…”.
O Gái là o ruột của anh Chư cùng những người trong đường dây cơ sở bàn bạc với anh Chư, rồi quyết định chuyển anh Chư sang nhà bác Khuông gần bên cạnh, trú ẩn trong thùng đựng lúa. Không biết vì sao mà đường dây cơ sở bị lộ. Cảnh sát vào nhà bác Khuông, mở nắp thùng lúa, ra đòn chí tử. Sau loạt đạn AK đáp trả, anh Chư vọt ra vườn, đọ súng quyết liệt với bọn nghĩa quân, cảnh sát giữa lưới đạn bủa vây từ bốn phía. Anh không thể thoát được. Độn rơm nhà bác Khuông bị đốt. May mà không có anh em du kích nào của ta ém ở trong đó.
Nghĩa quân, cảnh sát bao vây, lùng sục nhà ông ngọai tôi cách nhà o Gái khoảng chừng 200m. Ông ngoại và dì Đã tôi tìm cách ngăn cản để cho hai anh du kích Luận và Tranh từ trên tra nhảy xuống, nhanh chóng thoát về vùng vườn đồi Thanh Lê. Đạn từ trên độn Chùa, độn Sầm vãi xuống như mưa. Cũng thật lạ lùng, một viên đạn xuyên ngang má anh Luận, trúng ngay hai hàm răng! (không lâu sau ngày giải phóng 26/3/1975, tôi được tận mắt anh Luận cho xem ở nhà bác dâu tôi). Nhà ông ngoại tôi bị lửa đạn thiêu rụi (mãi đến gần 30 năm sau cậu Vĩnh tôi cùng con cháu mới xây lại để làm nhà thờ).
Nhiều người ở trong xóm mà bọn lính gọi là “vùng mất an ninh” bị lùa về Trường tiểu học Dạ Lê Thượng hoặc trụ sở xã, để phong tỏa. Bác Vũ Thắng và những cán bộ, du kích vẫn an toàn trong hai chiếc hầm chìm và nổi ở nhà o Gái. Đến khuya, bác Vũ Thắng và đồng đội đã được bố trí rút đi an toàn.
Tôi nhớ, sau ngày giải phóng Thừa Thiên Huế, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhiều đoàn khách nước ngoài, trong đó có Liên Xô và Cu Ba đã về thăm nhà o Gái. Khách đặc biệt quan tâm xem và nghiên cứu nghệ thuật làm hầm ngầm, hầm nổi như thế nào để che mắt được đối phương ngay giữa lòng đối phương. Song có lẽ, lòng người dân, sự khôn ngoan và lòng kiên định của người dân che chở, bảo vệ cho cán bộ cách mạng mới chính là nghệ thuật tinh vi nhất, cao siêu nhất, an toàn nhất. Ngay sau giải phóng Huế, thi hài của anh Chư đã được mai táng ở một nơi yên ổn lâu dài. Ông ngoại tôi ra tù được một thời gian ngắn thì đổ bệnh qua đời. O Gái không lập gia đình lên làm ở Công ty dệt Phú Xuân được mấy năm thì cũng lâm bệnh rồi đi xa. Dì Đã tôi từ trên Xanh về, vẫn không lập gia đình suốt đời. Sau 39 năm, dì nói: “Bọn cảnh sát bảo nếu dì ra hàng thì bọn nó sẽ thả ông ngoại, nhưng mệ ngoại không chịu, dì cắn răng không khuất phục. Ngày xưa ăn ở với cách mạng kiên định, thủy chung, tình cảm lắm”.
Ngày 6/11/1978, Chủ tịch Tôn Đức Thắng thay mặt Hội đồng Nhà nước ký quyết định phong tặng anh Nguyễn Văn Chư danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đường mang tên anh tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy được đặt cho con đường đi ngang gần nơi anh hy sinh, gần ngôi nhà ba mẹ anh, o Gái, ông ngoại tôi - nơi anh từng đi lại để chiến đấu và bảo vệ cách mạng. Hương khói cho anh duy nhất bây giờ là người chị ruột tên Hạt, không lập gia đình, không con cái (có lẽ cũng một phần do tác động của chiến tranh khốc liệt kéo dài)
Có mấy lần được gặp bác Vũ Thắng để cùng bác Vương Hồng giúp bài vở cho Hội thảo lần thứ 3 của Chương trình KX02 về Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức tại Huế (năm 1990), Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (năm 1994), Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (năm 2002) tại nhà riêng của bác, tôi định hỏi bác về cái ngày 13/3/1975 không bao giờ có thể quên ấy, song cứ mãi ngần ngại. Thế rồi bác về hưu và sớm đi xa.
Vậy mà đã 39 năm trôi qua, từ cái ngày hào hùng ấy!
 
Thông tin điện tử TT- Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 242