Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kỷ vật Điện Biên
Ngày cập nhật 02/05/2014

 (TTH) - Với những người con Thừa Thiên Huế từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận những lời thăm hỏi, quan tâm của Người trong quá trình tham gia chiến dịch thì hồi ức và kỷ vật là những mảng sáng quý giá trong tâm hồn suốt đời không thể quên.

Hồi ức hào hùng

 Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế hiện đang lưu giữ chiếc ca uống nước của ông Trần Bá Thí (quê ở Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Đây là chiếc ca được Bác Hồ tặng trước lúc ông xuất quân tham gia đánh trận Điện Biên Phủ, khi ông đang tham gia công tác trong đội ngũ tiểu đoàn 18, trung đoàn 101 (Trần Cao Vân).

Ăng gô, áo trấn thủ, ca uống nước - những kỷ vật gắn với chiến sĩ Điện Biên là con em Thừa Thiên Huế
Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ, chiếc ca uống nước đã theo ông đi khắp chiến trường, đồng hành cùng ông trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, kỷ vật về Bác Hồ cùng sự quan tâm ân cần của Bác là nguồn động viên, khích lệ ông trong mọi hoàn cảnh, chiến đấu hết mình cho hòa bình của dân tộc. Thời gian đã làm chiếc ca không còn nguyên vẹn, nhưng ông Trần Bá Thí vẫn lưu giữ như báu vật, thể hiện tình cảm thiêng liêng, niềm tin son sắt không gì lay chuyển nổi của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiếc áo trấn thủ của ông Lê Khắc Khiêm (ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại là một kỷ vật kháng chiến mà ông luôn gìn giữ. Đây chính là chiếc áo được cấp phát khi ông tham gia chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến đấu trong đội hình trung đoàn 18, tiểu đoàn 2 tại mặt trận Trung Lào. Chiếc áo trấn thủ, chiếc áo Anh Bộ đội Cụ Hồ đã theo ông đi khắp chiến trường.
Ông Hoàng Ngọc Đờn ở Phong Hiền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế đã lưu giữ kỷ vật kháng chiến về khoảng thời gian tham gia chống Pháp, đặc biệt là trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, ông đã sử dụng chiếc ăng gô hình ống trụ tròn, được cấp phát và sử dụng trong đời bộ đội, là kỷ vật gắn bó thân thiết theo bước chân người lính tham gia các trận đấu chống quân Pháp xâm lăng.
Những tấm huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba (1950), hạng nhì (1955), hạng nhất (1960), của ông Nguyễn Hồng Phu (ở Vinh Thái, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) là kỷ niệm vô giá, là phần thưởng cho những thành tích xuất sắc trong cuộc đời binh nghiệp. Là một Cựu chiến binh tham gia cách mạng từ năm 1945, ông đã từng nhiều lần vào sinh ra tử trên các chiến trường. Giai đoạn 1953-1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia công tác tại Đại đội 1, tiểu đoàn 2, trung đoàn 1, sư đoàn 350 do đồng chí Đỗ Mười làm sư trưởng. Năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 2 năm 1954-1955, ông từng được vinh dự bảo vệ nơi làm việc của Bác Hồ. Với ông, đây là khoảng thời gian vô cùng có ý nghĩa trong cuộc đời. Được may mắn có thời gian sống gần vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, ông thường nhớ về những kỷ niệm với Bác, nhớ về những lời dạy bảo ân cần của Người dành cho bộ đội, nhớ những phút giây tình cảm thương yêu Bác đi phát thuốc cho cán bộ chiến sĩ mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật. Để mãi sau này, khi gặp gỡ với đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể về những năm tháng đó, nước mắt ông vẫn không khỏi dâng trào khi nhớ về Người.
Ông Hồ Gà (tức Phan Chuyết, Phan Trúc Lâm), một người con của quê hương Thừa Thiên Huế đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế lưu giữ và trưng bày chiếc khăn vải dù. Đơn sơ là một mảnh khăn được xé ra từ tấm dù của địch, được ông sử dụng để quàng cổ trong suốt quá trình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông luôn cố gắng hết mình trong từng trận đánh, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Tấm khăn dù màu trắng ngà có thêu dòng chữ màu đỏ: “Kỷ niệm Điện Biên Phủ 1954”.
Mang theo những kỷ vật của Bác Hồ tặng, những lời căn dặn thể hiện niềm tin của Người trước lúc lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, những cán bộ chiến sĩ, dân công tiền tuyến hăng hái xông pha nơi trận địa. Những cán bộ chiến sĩ đã cùng nhau góp sức cho chiến dịch, ngày đêm vận tải lương thực, đạn dược, vũ khí vào chiến trường Điện Biên.
 
Những kỷ niệm sâu đậm
Ngày 13/3/1954, quân ta mở đợt tấn công đầu tiên vào Điện Biên Phủ và chiến đấu suốt 55 ngày đêm ác liệt, giành chiến thắng rực rỡ vào ngày 7/5/1954. Tại lễ mừng chiến thắng tổ chức tại cánh đồng Mường Phăng, ngay bên sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/5/1954, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đại đoàn 312, đơn vị đã đánh thắng trận mở màn và bắt sống tướng Đờ Cát khi kết thúc chiến dịch. Lá cờ này cùng chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang hoàng trên chiếc xe tăng 18 tấn vừa thu được của địch, diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ trong tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên.
Sau ngày toàn thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng chính phủ nghe báo cáo về kết quả chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến thắng Điện Biên Phủ, về Hội nghị Giơ-Ne-Vơ và một số vấn đề khác vào tháng 5/1954. Người gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, nhân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến dịch. Người đề ra việc tặng huy hiệu Điện Biên Phủ cho cán bộ chiến sĩ. Cùng với các đồng chí Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ các anh hùng trận Điện Biên Phủ. Trong dịp này, năm chiến sĩ xuất sắc đại diện các đơn vị vừa chiến thắng Điện Biên Phủ được cử về Việt Bắc mừng thọ Bác Hồ nhân ngày kỷ niệm 19/5/1954 và báo cáo thành tích với Bộ Chính trị, với Bác Hồ, được Bác trực tiếp gắn huân chương và huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ cho từng người. Sau đó, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo quân đội chụp ảnh lưu niệm với 5 chiến sĩ xuất sắc.
Những cựu chiến binh người Thừa Thiên Huế vẫn còn lưu giữ khá nhiều kỷ niệm về Bác Hồ trong giai đoạn này, gia đình ông Nguyễn Sĩ Thuật (ở Điền Hoà, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chiếc huy hiệu mang dòng chữ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ - xuân 1954”, đây là kỷ vật không quên, ghi dấu những năm tháng ông tham gia chiến dịch, đạt những thành tích xuất sắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ.
Ông Hồ Tấn Mạnh là một người con của quê hương Thừa Thiên Huế đã trọn đời vì cách mạng. Tham gia cách mạng từ năm 1945, trong kháng chiến ông giữ nhiều vai trò khác nhau trong Đảng và trong quân đội. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, là một chiến sĩ trẻ, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã luôn nỗ lực hết mình, hăng hái chiến đấu chống kẻ thù, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông được Chính phủ tặng thưởng Kỷ niệm kháng chiến, đây là kỷ vật giành riêng cho chiến sĩ đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là niềm tự hào luôn được ông lưu giữ bên mình.
Trở về sau chiến tranh, những người lính ở quê hương Thừa Thiên Huế vẫn nhớ mãi hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại đã cống hiến hết mình cho cách mạng. Kỷ vật về Bác Hồ, về chiến thắng Điện Biên là những báu vật luôn được gìn giữ trong cuộc đời mỗi người. Với mong muốn được những kỷ vật được lưu giữ lâu dài, phát huy giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống chiến đấu vẻ vang của dân tộc Việt Nam, những người lính năm xưa đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để kỷ vật vẫn mãi tiếp tục được giữ gìn, trân trọng.
 
Thông tin điện tử TT- Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 241