Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi "
Ngày cập nhật 24/02/2014

 Sáng ngày 23/02, Bộ Y tế và Bộ Công thương đồng tổ chức hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố về "Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa; ông Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và đại diện Trung tâm Y tế các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch cúm A(H7N9), H5N1 và bệnh sởi từ đầu năm 2014 đến nay. Theo kết quả giám sát chủ động và hệ thống giám sát trọng điểm của các tỉnh, thành phố, đến thời điểm này đã xét nghiệm 5.653 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng nhưng không phát hiện trường hợp người bị nhiễm cúm A(H7N9). Từ tháng 6/2013 đến nay, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lấy gần 20.000 mẫu gia cầm tại các chợ gia cầm, kết quả đều âm tính với vi rút cúm A(H7N9).
Tuy nhiên trước tình hình số mắc dịch cúm A(H7N9) gia tăng đột biến tại Trung Quốc, đã lan rộng đến tỉnh biên giới giáp Việt Nam, trong bối cảnh người dân giao lưu thương mại, du lịch rất lớn cùng với việc gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp khó kiểm soát nên nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, vi rút có thể lây lan sang các đàn gia cầm trong nước và lây lan sang người. Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) cũng nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm cúm A(H7N9) từ Trung Quốc.
Sau 9 tháng năm 2013 cả nước không ghi nhận ca bệnh cúm A(H5N1), nhưng 2 tháng đầu năm 2014, nước ta đã ghi nhận 02 trường hợp mắc và tử vong tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A(H5N1). Hiện, cả nước đã có 64 ổ dịch tại 16 tỉnh, như vậy, dịch bệnh trên gia cầm chưa có xu hướng dừng lại.
Đối với dịch sởi đã xuất hiện ở Trung Quốc, Philippine, Nhật Bản, Lào, đặc biệt tại một số tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới với Việt Nam, do đó dịch sởi đã bùng phát trở lại ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Theo Bộ Y tế, dịch sởi xảy ra theo chu kỳ 3-5 năm, khi tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch, các trường hợp mắc sởi hiện nay được cho là do chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi theo quy định. Dịch xảy ra chủ yếu tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi đạt thấp trong những năm trước đây và những vùng có biến động dân cư cao và vùng lõm về tiêm chủng, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Các cơ quan chuyên môn cho biết, hiện đang là mùa xuân có thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi rút cúm. Bên cạnh đó, sau một thời gian dài không ghi nhận ca bệnh nên người dân có thể xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc chủ động phòng chống bệnh, nhiều người dân vẫn sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong phòng chống dịch cúm là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiến hành kịp thời, đồng bộ làm sao để chủng virus mới khi xâm nhập vào sẽ không gây nhiều tác hại như hồi cúm A/H5N1 mới xuất hiện. Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu để các cơ quan báo chí tuyên truyền đúng, chính xác ngay từ đầu về tình hình dịch bệnh, giúp cho tâm lý người dân tốt hơn, giúp công tác phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả hơn.
Đối với công tác phòng chống dịch sởi, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện công tác tiêm chủng với mức độ cao nhất. Ngoài giải pháp chuyên môn, các địa phương phải hướng dẫn rất cụ thể, ràng buộc trách nhiệm cho từng cấp, từng người, đồng thời, rút kinh nghiệm về quy trình tiêm vaccine, xử trí tình huống khẩn cấp, chủ động cung cấp thông tin, truyền thông minh bạch, rõ ràng.
 
Điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại hội nghị, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch tiêm chủng sởi trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2014, tập trung vào đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi và trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi; trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi. Lượng vắc xin và vật tư tiêm chủng sẽ được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu của từng địa phương.
Để đạt hiệu quả cao trong công tác tiêm chủng, nhằm ngăn chặn việc lây lan bệnh sởi, Bô Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, nhất là bố trí đủ nhân lực cho công tác tiêm phòng, đồng thời thành lập các tổ tiêm chủng lưu động xuống tận thôn bản, vùng sâu, vùng xa để tiêm phòng đầy đủ cho trẻ em trong độ tuổi tiêm phòng sởi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của bệnh sởi, phát hiện sớm các ổ dịch tập trung, tổ chức điều tra và xử lý kịp thời, triệt để không để dịch lan rộng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân hiểu rõ tác dụng của việc tiêm phòng các loại dịch bệnh, không phải vì một vài trường hợp tử vong do kháng thể với vắc xin mà không đưa con, em của mình tiếm phòng đủ các loại vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh. 
Ngay sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa đề nghị các Sở, ngành và các địa phương phải tập trung chỉ đạo và chủ động công tác phòng chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần phải quyết liệt trong công tác phòng ngừa để không có dịch bệnh bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh.
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 215