Huyện Mường Ảng là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên và là trong 62 huyện nghèo của cả nước. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thanh niên Mường Ảng hăng hái thi đua sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tận dụng lợi thế của huyện về các điều kiện đất đai, khí hậu, thanh niên Mường Ảng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê, góp phần tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, trên thực tế các mô hình trồng cà phê này còn nhỏ lẻ, tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất còn thiếu, kinh nghiêm thu hái, chăm sóc chưa hiệu quả nên năng suất và chất lượng chưa cao.
Trước tình hình đó, Huyện đoàn Mường Ảng đã quyết định tập hợp các thanh niên trồng cà phê và thành lập “Câu lạc bộ trẻ trồng cà phê”. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 10 hội viên và sinh hoạt định kỳ hằng tháng, các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thu hái cà phê sao cho đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời chủ động phối hợp với trung tâm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc cà phê cho các thành viên trong câu lạc bộ. Từ đó đến nay, phần lớn thanh niên trong câu lạc bộ trong huyện đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát dọn, đào hố đến lựa chọn cây giống, kỹ thuật trồng, bón phân, vun xới, tỉa cành, chăm sóc... để tạo ra các vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt. Nhờ đó mà năng suất trung bình của cà phê ở Mường Ảng đạt 2,5 – 3 tấn cà phê/ha/năm, trừ chi phí, mỗi 1 ha cà phê thu về được 60 – 70 triệu đồng/năm.
Từ những hiệu quả tích cực của câu lạc bộ trẻ trồng cà phê, đến nay nhiều thanh niên trồng cà phê trên địa bàn huyện đã biết đến và tham gia câu lạc bộ ngày càng đông. Hiện nay, số lượng thành viên của câu lạc bộ đã tăng lên 200 người. Nhiều thành viên câu lạc bộ đã có mức thu nhập ổn định từ cây cà phê. Tiêu biểu nhất là anh Tạ Văn Đán, sinh năm 1978, thu nhập 600 triệu đồng/năm với 5 ha cà phê. Ngoài ra, có gần 100 thành viên có thu nhập từ trồng cà phê đạt hơn 200 triệu đồng/năm...
Đặc biệt, hiệu quả từ các mô hình trồng cà phê của các thành viên trong câu lạc bộ đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình nghèo trên địa bàn.
Câu lạc bộ trang trại thanh niên huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Huyện Văn Chấn là huyện miền núi tỉnh Yên Bái. Với ưu thế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với những thuận lợi về đất đai, thanh niên Văn Chấn đã tập trung phát triển sản xuất, trong đó chủ lực là cây chè, cây cam và chăn nuôi gia súc. Thời gian qua, nhiều thanh niên trong huyện đã mạnh dạn tận dụng những ưu thế của địa phương và những tiến bộ của khoa học kỹ thuật phát triển các mô hình kinh tế trang trại. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý cũng như sản xuất kinh doanh, nên sản xuất vẫn theo phương thức truyền thống, chưa ứng dụng triệt để khoa học công nghệ và cơ giới hóa sản xuất. Đặc biệt là họ chưa biết cách bảo quản, đóng gói, chế biến và tìm đầu ra cho sản phẩm; chưa chủ động nắm bắt nhu cầu của thị trường dẫn đến hiệu quả tiêu thụ không cao, sản phẩm tồn đọng còn nhiều...
Nhận thấy cần phải liên kết các mô hình kinh tế trang trại lại để hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, năm 2000, Huyện đoàn Văn Chấn đã thành lập “Câu lạc bộ trang trại thanh niên” với sự tham gia của 18 thành viên. Hoạt động đầu tiên của câu lạc bộ là tổ chức các buổi sinh hoạt để các thành viên trao đổi những khó khăn, thuận lợi từ thực tiễn sản xuất của cơ sở mình; đồng thời bàn thảo, giải quyết những tồn đọng, kiến nghị những vướng mắc của các thành viên...
Nhận thấy vai trò tích cực và những kiến nghị thiết thực của câu lạc bộ, Huyện đoàn Văn Chấn đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền, các ban ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho các thành viên câu lạc bộ, mở rộng thị trường tiêu thụ... Nhờ vậy mà hầu hết các thành viên câu lạc bộ đều có điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, thành viên của câu lạc bộ chia sẻ “Tham gia vào câu lạc bộ, tôi thường xuyên được trao đổi kinh nghiệm, được tiếp xúc với những phương thức sản xuất hiệu quả nhất, nhất là được học cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Những năm trước khi chưa tham gia câu lạc bộ, chưa tiếp cận với khoa học kỹ thuật, với 2,8 ha đất trồng cam, trồng lúa, trồng chè, nuôi lợn, thả cá, gia đình tôi chỉ thu được khoảng gần 100 triệu/năm. Nhưng từ khi tham gia vào câu lạc bộ, 3 năm gần đây bình quân của gia đình tôi tăng lên từ 300 – 500 triệu đồng/năm”...
Phát triển đến nay là gần 15 năm, “Câu lạc bộ trang trại thanh niên” đã thu hút 98 hội viên tham gia với nhiều mô hình phát triển kinh tế như: VACR (vườn, ao, chuồng, rừng), trồng cây ăn quả, trồng chè, trồng cam, nuôi ba ba, nuôi lợn, nuôi cá... Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất và chuyên môn hóa các mô hình sản xuất, mấy năm gần đây, câu lạc bộ đã tổ chức cho các hội viên đi thăm quan, học hỏi những mô hình sản xuất hiện đại của các địa phương để tiếp tục có những mô hình hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, đồng bộ. Đến nay, việc duy trì hiệu quả câu lạc bộ đã góp phần thu hút và tập hợp đông đảo thanh niên Văn Chấn tham gia tích cực vào phát triển kinh tế xã hội địa phương. Các hoạt động Đoàn, Hội tại cơ sở đã góp phần cùng với tuổi trẻ Văn Chấn tích cực xây dựng quê hương giàu mạnh...
Trên đây là 2 trong số 60 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên sản xuất kinh doanh tiểu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam tuyên dương năm 2014. Những mô hình tiêu biểu đó đã giúp nhiều thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương./.
Phạm Cường