Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đọc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”
Ngày cập nhật 12/06/2014
Ảnh Internet

Nếu bạn là một người lớn, nếu bạn đã từng một lần mệt mỏi với cuộc sống hiện tại và mong muốn được một chút tìm về với tuổi thơ… thì “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” sẽ là “ thần dược” cho bạn. Hãy đọc nó bằng một trái tim nhớ da diết về tuổi thơ, và cảm nhận bằng trái tim của người trưởng thành…

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một trong những truyện dài thành công nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm nhận được Giải thưởng Văn học Asean năm 2010.   

 

Tác phẩm gồm những câu chuyện nhỏ xoay xung quanh 4 đứa trẻ trong cùng một khu xóm là con Tủn, con Tí sún, thằng Hải còi và thằng cu Mùi. Trong đó, người kể chuyện là cu Mùi dưới hình thức kể song song của “thằng cu Mùi” lúc bé và nhận xét, đánh giá hết sức hóm hỉnh của “ông Mùi” khi đã gần 50 tuổi.

Trên một chuyến tàu đặc biệt được làm bằng kỷ niệm, một người đàn ông quay trở lại thăm thời thơ ấu của mình, những trò tinh nghịch, những suy nghĩ rất trẻ thơ được kể lại với giọng văn trong trẻo, nhẹ nhàng và hài hước. “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt. Năm đó tôi tám tuổi… Đó là cái ngày không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ rằng cuộc sống không có gì để mà chờ đợi nữa… Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm… Nói tóm lại, cuộc sống thật là cũ kỹ. Cuộc sống của tôi còn cũ kỹ hơn nữa. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, tôi đã biết tỏng ngày mai những sự kiện gì sẽ diễn ra trong cuộc đời tôi.” Đó là đoạn trích trong chương đầu tiên của tác phẩm có tiêu đề: “Tóm lại là đã hết một ngày.” Một ngày của cu Mùi- nhân vật chính là cố thức dậy vào buổi sáng, đánh răng, rửa mặt và đi học. Là bữa ăn và giấc ngủ bị ép buộc vào buổi trưa. Là việc vệ sinh thân thể và ngồi vào bàn học bài đến khi ngủ gục trên bàn vào buổi tối. Không chỉ với cu Mùi, mà với Hải cò, con Tý sún, con Tủn mà có lẽ với nhiều đứa trẻ khác vào năm chúng tám tuổi ngày nào cũng trôi qua như thế.


Ảnh Internet

Và rồi đến một ngày, 4 nhân vật chính của chúng ta cảm thấy cần phải thay đổi cuộc sống tẻ nhạt, theo suy nghĩ của chúng, thế là bao nhiêu trò chơi con trẻ được chúng nghĩ ra: Chúng đã đảo lộn mọi hệ thống tư tưởng, khi cả bọn cùng đồng ý với con Tí sún “2 nhân 4 là mấy cũng được nhưng không phải là 8,” hay khi Hải cò khẳng định “Kẻ có giáo dục đến giờ cơm thì…họ đi chơi chứ làm gì!”. Còn cu Mùi hách xì xằng tuyên bố: “đánh nhau mà không rách áo, trầy chân, bầm mặt thì thiệt là đứa hư hỏng làm ba xấu hổ đến chết mất thôi!”… Xuyên suốt tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là những trò nghịch ngợm, những suy nghĩ rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của những đứa trẻ mà người lớn thường cho là “trò trẻ con”. Nhưng qua đó, để những độc giả đang làm cha mẹ phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: đôi khi mình đã sai khi cho tự bản thân cái quyền phán xét con trẻ. Có ý kiến độc giả cho rằng những đứa trẻ trong truyện đã mở cả một phiên tòa phán xét người lớn. Phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng nguyện vọng và chính đáng của tuổi thơ: đó là sự công bằng.

Bằng văn tài của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã mở toang những cánh cửa có trong lâu đài ký ức, để gió cuốn đi nỗi buồn niềm vui của những tâm hồn thơ bé, từng muốn làm cách mạng, từng muốn lật đổ những điều được xem là kinh điển nhưng xưa như trái đất của cuộc đời. “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ”, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: "Tôi viết cuốn sách này không cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em," đã khiến độc giả bàng hoàng khi nhận ra mình chính là cu Mùi, là Hải cò, là Tí sún, là Tủn má lúm đồng tiền… Sao chúng lại giống mình đến thế!

 Diệu Hiền

 

 

nguồn thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 53