Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Viện Vật lý Địa cầu làm việc tại Thừa Thiên Huế về trận động đất tại huyện A Lưới xảy ra vào ngày 15/5/2014
Ngày cập nhật 22/06/2014

        Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường (Công văn số 422/TNMT-TNN ngày 16/5/2014), Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cử đoàn cán bộ khoa học và chuyên gia tiến hành khảo sát thực tế về trận động đất xảy ra vào lúc 19h 34 phút ngày 15/5/2014 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn Vật lý Địa cầu (TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng, PGS.TS. Cao Đình Triều, TS. Nguyễn Hữu Tuyên, TS. Nguyễn Ánh Dương, ThS. Đinh Quốc Văn) đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ (TS. Trần Ngọc Nam - Giám đốc), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN (Phan Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB) tại văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường do Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì để nghe báo cáo kết quả đợt khảo sát vào chiều ngày 11/6/2014.

        Qua báo cáo của Viện Vật lý Địa cầu và đề nghị của các thành viên tham dự, Viện Vật lý Địa cầu đã có văn bản số 291/BC-VLĐC ngày 12/6/2014 báo cáo kết quả khảo sát với những kết luận và kiến nghị sau:

       * Kết luận:

       1. Thông số động đất A Lưới ngày 15/5/2014:

       - Thời gian xảy ra động đất: 19 giờ 34 phút 35,2 giây.

       - Tọa độ tâm chấn 107,2795 kinh độ Đông, 16,2860 vĩ độ Bắc.

       - Độ sâu chấn tiêu khoảng 9,5 km, độ lớn M=4,7 trong khu vực huyện A Lưới.

       2. Động đất gây ra chấn động cấp VI (theo thang MSK-64) tại vùng cực động, có phương phát triển theo hướng BTB – NĐN, có dạng hình e-lip không cân xứng (trục lớn dài khoảng 12km, trục bé dài khoảng 8,1km).

       3. Động đất này không gây thiệt hại về người, nhưng đã gây hoang mang cho người dân địa phương ở khu vực huyện A Lưới và lân cận. Hiện tượng nứt tường nhà và các công trình xây dựng ở khu vực tâm chấn là không đáng kể, chưa phát hiện thấy hiện tượng biến dạng địa hình như nứt, trượt lỡ đất…

       4. Động đất xảy ra trên đới đứt gãy A Lưới – Rào Quán. Đây là một đới đứt gãy có biểu hiện hoạt động mạnh trong hiện đại.


Sơ đồ đường đẳng chấn động đất A Lưới M4,7 ngày 15 tháng 5 năm 2014

      Chú giải: 1,2,3,4,5- Biểu hiện cấp chấn động trên bề mặt, theo thang MSK-64: 1- I=IV, 2- I=IV-V, 3- I=V, 4- I=V-VI, 5- I=VI; 6- Đường đẳng chấn; 7- Vị trí chấn tâm động đất ngày 15 tháng 5 năm 2014; 8- Đứt gãy hoạt động; 9- Tuyến mặt cắt cấu trúc – đứt gãy; 10- Vị trí đập thủy điện A Lưới; 11- Vị trí nhà máy thủy điện A Lưới.

       * Kiến nghị:

       - Cần thiết lập ngay trong năm 2014 một mạng trạm quan sát động đất địa phương.

       - Cần thực hiện rà soát, đánh giá và kiến nghị về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và công trình quan trọng trên địa bàn.

       - Cho tiến hành nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá nguy hiểm động đất tỉnh Thừa Thiên Huế ở mức độ chi tiết cao trong năm 2014 (theo hướng nhiệm vụ đột xuất).

       - Thực hiện đề tài nghiên cứu hoạt động địa chấn và quá trình trượt, sụt, lỡ đất khu vực phía tây Thừa Thiên Huế.

       Trên cơ sở kiến nghị và đề xuất của Viện Vật lý Địa cầu, ngày 18/6/2014 Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 539/TNMT-TNN báo cáo và đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các Sở thực hiện những nội dung sau:

       1. Giao nhiệm vụ Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở liên quan (Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường) tổ chức kiểm tra, rà soát về thiết kế kháng chấn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

       2. Giao Sở Công thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và đơn vị liên quan; chủ doanh nghiệp các công trình thủy điện trên địa bàn để thiết lập mạng lưới quan trắc rung chấn tại các đập thủy điện, quan sát động đất (từ 3-5 trạm) tại khu vực huyện A Lưới và vùng lân cận (thủy điện A Lưới, thủy điện Hương Điền, thủy điện Bình Điền, thủy điện Bitexco Tả Trạch), kết hợp với trạm quan trắc quốc gia tại thành phố Huế, đảm bảo theo dõi, giám sát phục vụ việc cảnh báo, dự báo động đất tại địa phương.

       3. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì làm việc với Viện Vật lý Địa cầu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đột xuất cấp thiết năm 2014 về đề tài “Nghiên cứu, đánh giá nguy hiểm động đất tỉnh Thừa Thiên Huế ở mức chi tiết độ cao” và đề xuất triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong năm 2015 - 2016./.

N.X.T.Long - TNN, KTTV
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 96