Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng vật nuôi trong vụ Đông Xuân 2014-2015
Ngày cập nhật 05/03/2015

Năm nay, thời gian nghỉ Tết kéo dài (9 ngày) nếu chủ quan không kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi sẽ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Vì vậy, để chủ động trong công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng, chăn nuôi, thủy sản trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, UBND thị xã Hương Trà hướng dẫn UBND các phường, xã, các HTX nông nghiệp và bà con nông dân thực hiện tốt một số biện pháp sau để góp phần  sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015 đạt kết quả tốt.

1. Đối với trồng trọt

* Cây lúa:

- Tranh thủ những ngày thời tiết nắng ấm chỉ đạo bà con nông dân bón phân, chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối giữa đạm- lân-kali theo đúng quy trình giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi (mưa, rét). Các chân ruộng thường hay nhiễm chua mặn cần bón bổ sung vôi (20-25kg/sào), sau 5-7 ngày tháo nước ra đưa nước mới vào kết hợp với chăm sóc bón phân.

- Tiếp tục diệt trừ ốc bươu vàng bằng các biện pháp thích hợp như bắt ốc trưởng thành, thu trứng ốc trên bờ ruộng, bờ mương kết hợp với sử dụng thuốc hóa học. Điều chỉnh mực nước hợp lý (khoảng 2-3cm) để hạn chế sự di chuyển của ốc sang nơi khác. Những ruộng có mật độ ốc cao, nên sử dụng các loại thuốc như Viniclo, Pazol hoặc Dioto để phun trừ. Lưu ý không sử dụng thuốc này cho những ruộng có nuôi cá, tốt nhất là xa khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt. Khi phun thuốc nên tháo cạn nước để ốc tập trung xuống rãnh dễ phun trừ, tiết kiệm công phun,…

- Đối với chuột, tiếp tục phát động các phong trào diệt chuột sâu rộng trong nhân dân bằng mọi biện pháp như sử dụng các loại bẫy lồng, bẫy kẹp kết hợp đặt mồi bã quanh bờ ruộng, đê đập bằng thuốc hóa học như Racumin, Storm, Kaletox,... Nghiêm cấm việc sử dụng điện để đánh bắt chuột dưới mọi hình thức.

- Đối với bệnh đạo ôn, hiện nay thời tiết nắng ấm, sáng sớm sương mù kết hợp với công tác chăm sóc bón phân là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát sinh phát triển mạnh trên các giống nhiễm như nếp, Xi23, 13/2, X21,…Cần theo dõi và phun phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện để tránh lây lan bằng các loại thuốc như Beam, Vibimzol,… Chú ý phun kỹ, đủ lượng nước trên đơn vị diện tích; khi ruộng bị bệnh không nên bón phân đạm hoặc các loại phân bón lá đến khi hết bệnh (không xuất hiện vết bệnh mới) mới tiến hành chăm sóc, bón phân bình thường. Đối với tuyến trùng rễ, những ruộng có tỷ lệ hại cao cho xử lý bằng các loại thuốc Vifu-super 5G, Vibasu10H,… kết hợp giữ nước trong ruộng, bón phân chăm sóc. Các đối tượng khác như sâu cuốn lá nhỏ, dòi đục nõn,… gây hại với mật độ và tỷ lệ thấp cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phòng trừ diện hẹp, không phun thuốc tùy tiện khi mật độ sâu còn thấp làm mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường,…

* Cây lạc:

- Tranh thủ thời tiết nắng ấm tiến hành làm đất, gieo trồng diện tích còn lại đúng khung lịch thời vụ của UBND thị xã.

- Các diện tích đã gieo trồng tranh thủ thời tiết nắng ấm để xới xáo phá ván kết hợp bón phân thúc. Thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm bệnh héo rũ để phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc như Monceren, Ridomil Gold, Mataxyl, … kết hợp nhổ bỏ những cây bị bệnh đưa ra khỏi ruộng tiêu huỷ tránh lây lan.

- Các cây trồng khác như ngô, sắn, rau màu tùy tình hình thời tiết để tổ chức gieo trồng phù hợp và đảm bảo khung lịch thời vụ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sâu bệnh và tổ chức phòng trừ trên diện hẹp.

- Tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh đúng quy trình ngay từ đầu vụ để đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

* Đối với cây dài ngày: Cần tiến hành chăm sóc kịp thời các diện tích trồng mới cao su, cây ăn quả bảo đảm cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp xử lý bệnh héo đen đầu lá, xì mủ, loét sọc miệng cạo trên cây cao su, bệnh chảy gôm, muội đen, sâu đục thân trên cây ăn quả.

2. Đối với chăn nuôi:

- Tiếp tục triển khai tiêm phòng vụ Xuân cho đàn gia súc, sửa chữa, che chắn chuồng trại kín đáo, chăm sóc, bảo vệ, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm.

- Thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hố phân và khu vực xung quanh chuồng nuôi; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh.

- Hướng dẫn nông dân có giải pháp phù hợp để phù hợp để phục hồi và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao để giúp nông dân nâng cao chất lượng đàn lợn giống tại địa phương.

3. Đối với thủy sản:

- Đối với ao nuôi xen ghép tranh thủ tu sửa gia cố bờ ao, hệ thống kênh, cống cấp thoát nước. Cải tạo ao nuôi đảm bảo các điều kiện cho việc thả nuôi.

- Chủ động nguồn giống, kiểm dịch con giống trước lúc thả nuôi.

4. Đối với lâm nghiệp:

- Tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng rừng trong vụ Xuân đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch.

- Thực hiện phát dọn thực bì dưới tán rừng thông trước khi bắt đầu khai thác nhựa thông của năm 2015. Yêu cầu các chủ rừng thực hiện việc khai thác nhựa thông đảm bảo kỹ thuật theo hồ sơ đã được thẩm định.

 

Thanh Vân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 262